Ảnh Internet |
Chính phủ mới nhận nhiệm vụ được hơn 3 tháng, phải đối diện với tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ông có bình luận gì không?
Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, ngay khi nhận nhiệm vụ, tốc độ tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu chững lại khi quý I chỉ tăng 5,46%, so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Mặc dù đã hết sức cố gắng lèo lái con thuyền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng GDP quý II cũng chỉ đạt 5,55%, nên trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,52%.
Tôi nghĩ kết quả tăng trưởng này là chấp nhận được, vì có những lý do thuyết phục. Đó là do sự biến đổi bất thường của thời tiết dẫn đến xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên khiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Bên cạnh đó, giá dầu mỏ và than đá trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%. Mặt khác, theo “quy luật”, thời gian chuyển tiếp bộ máy quản lý nhà nước bao giờ GDP cũng tăng trưởng thấp hơn. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt 5,57% so với tốc độ tăng trưởng 6,68% của cùng kỳ năm 2010 trong điều kiện hoạt động khai thác dầu thô đem về cho ngân sách nhà nước 42.000 tỷ đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm nay dầu thô mới đem về cho ngân sách nhà nước 20.299 tỷ đồng, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm 2015.
Chính phủ cũng nhận định tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra. Bởi để đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đã đặt ra thì trong 6 tháng cuối năm phải tăng 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hiện nay, do không còn dư địa hoặc rất khó khăn trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa. Nới lỏng các chính sách tiền tệ, tài khóa trong các tháng cuối năm có thể kích cầu tăng trưởng, tuy nhiên, sẽ tác động bất lợi tới kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định. Các tác động này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và các năm tiếp theo.
Không chỉ có Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới cũng đang chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 xuống còn 3,2% thay vì 3,4% như dự báo trước đó. Còn Liên hợp quốc cũng mới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 xuống còn 2,9%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Các nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế nước ta như Mỹ, khu vực Eurozone, Trung Quốc… cũng đều được dự báo tăng trưởng chậm lại.
Liệu người dân có cho rằng không đạt chỉ tiêu tăng trưởng là do hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ không cao?
Là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, đặc biệt là những nước là thị trường, đối tác lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Với những gì đang diễn ra và dự báo sẽ diễn ra, nếu công tâm, khách quan mà đánh giá thì kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tôi cho rằng, nếu Chính phủ không thực sự quyết tâm, không đẩy mạnh hàng loạt giải pháp thì GDP trong 6 tháng đầu năm khó có thể tăng 5,52%. Đánh giá nền kinh tế, theo tôi, phải có cái nhìn tổng thể, khách quan, chứ không chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP.
Xem ra ông đánh giá khá cao Chính phủ mới?
Chính phủ hiện tại được hình thành từ tháng 4/2016 tại Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII nên tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV chỉ kiện toàn, hoàn thiện lại. Hiện tại chúng ta đã có một Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, chống lãng phí…
Nhìn vào thành phần nội các hiện nay dễ nhận thấy, về độ tuổi, Chính phủ mới trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ tốt hơn so với các nhiệm kỳ trước đây. Tất nhiên, Chính phủ hiện nay có hạn chế là nhiều thành viên chưa có bề dày kinh nghiệm. Tuy nhiên, các thành viên nội các hiện tại mặc dù chỉ mới thực hiện nhiệm vụ hơn 3 tháng nhưng đã thể hiện được năng lực, trình độ, quyết tâm và đã gây dựng được lòng tin với nhân dân qua việc tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ đạo sát sao và kịp thời những vấn đề phức tạp mới phát sinh, như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển...