Việc chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp y tế như vắc xin, thuốc, khẩu trang… để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất định của dịch Covid-19 là cần thiết. Ảnh: Nguyễn Trí |
Phát biểu tại Diễn đàn tài chính Việt Nam 2021 ngày 16/11, GS. TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tài chính là một trong những điểm tựa quan trọng nhất để phục hồi và cất cánh nền kinh tế trong thời gian tới. Trong thời gian qua, dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, gốc của các trở ngại và khó khăn hiện nay vẫn là y tế nên cần tính toán yếu tố y tế trong việc xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh cho người dân.
Về y tế, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, chi phí y tế cho phòng chống dịch lên đến 1% GDP, con số này của Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 0,3 - 0,4%. Trong thời gian tới, cần tăng cường nguồn lực cho y tế một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn bất định, việc chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp y tế như vắc xin, thuốc, khẩu trang là cần thiết.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, các nước trên thế giới chủ yếu áp dụng giải pháp giảm thuế, phí một cách rõ ràng và minh bạch, hơn là giảm lãi vay, bởi lo ngại việc giảm lãi vay cần nhiều thủ tục xét duyệt, gây chậm và có thể thất thoát. Đồng thời, cần mở rộng hơn nữa nhóm đối tượng được ưu đãi giảm thuế sang các lĩnh vực khác.
Về hỗ trợ người dân, cần tăng khả năng tiếp cận gói hỗ trợ với những người lao động tự do. Kinh nghiệm các nước cho thấy, chính quyền tiếp cận từ căn cước công dân, ứng dụng công nghệ để hỗ trợ trực tiếp và chấp nhận mức độ thất thoát nhất định. Các tính toán về tài khóa cũng cần được cân đối trong cả trung hạn như dành nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh.
Theo ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện thường trú Văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, điểm đáng chú ý là quy mô gói tài khóa của các nước phát triển chưa hẳn đã phù hợp với các nước đang phát triển, đồng thời, việc xem xét các chính sách hỗ trợ này cần dựa trên tính toán về diễn biến dịch bệnh. Hay nói cách khác, trong khi đang áp dụng chặt chẽ các biện pháp cách ly và giãn cách thì cần chính sách hỗ trợ kịp thời, có mục tiêu, diện hỗ trợ rộng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng khi các hoạt động kinh tế được mở lại thì có thể cân nhắc trọng tâm và quy mô hỗ trợ. Tiếp đó, khi nền kinh tế khôi phục khá vững, thì cần tập trung nguồn lực bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm, tăng khả năng chống chịu.
Về chính sách cụ thể, ông Painchaud cho rằng, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp gia hạn nộp thuế để cải thiện thanh khoản cho doanh nghiệp trong khi các nước khác ít áp dụng giải pháp này. Bởi vì, đối với các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp thì giải pháp này ít phát huy tác dụng khi mức độ tác động của dịch Covid-19 lớn và kéo dài.
“Việc gia hạn nộp thuế không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp bị tác động mạnh, có lợi nhuận âm hoặc rất thấp. Thay cho giải pháp này, nên cân nhắc việc ban hành chính sách chuyển lỗ về các năm trước để có nguồn lực thực tế cho doanh ngiệp”, ông Painchaud đề xuất.
Hơn nữa, Covid-19 gây ra cú sốc về tài chính hộ gia đình, làm chậm hồi phục nền kinh tế và có thể kéo rộng khoảng cách giàu nghèo. Do đó, theo đại diện IMF, cần thực hiện thêm chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng này một cách kịp thời. “Quan trọng hơn hết, các giải pháp thực hiện cần thận trọng, không gây méo mó thị trường. Gói hỗ trợ tài khóa cần được cân nhắc trong bối cảnh của khung chính sách tài khóa trung hạn đáng tin cậy”, ông Francois nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc tính toán các chương trình hỗ trợ cần đặt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài. Do đó, dư địa về thời gian để thực hiện các giải pháp này cũng là yếu tố hết sức quan trọng.
“Khi tính toán các giải pháp về tài khóa hay tiền tệ, cần có ý kiến không chỉ của giới hoạch định chính sách, các nhà kinh tế mà cần có ý kiến của các chuyên gia dịch tễ với các giả định về diễn biến dịch bệnh khác nhau. Không chỉ tính toán nguồn lực thực hiện, cách thức phân bổ, đối tượng thụ hưởng, mà còn cân đối thời gian thực hiện. Thực tế, chúng ta đang chạy đua với thời gian, cần các giải pháp quyết liệt và kịp thời hơn”, ông Cường nhấn mạnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)