Cơ cấu lại, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế là bước chuẩn bị quan trọng để hội nhập thành công. Ảnh: Lê Tiên |
Hội nhập đã góp phần làm bộc lộ yếu kém nội tại
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau một năm triển khai, các bộ, ngành đều có sự nỗ lực và cố gắng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính đề ra tại Nghị quyết 1052. Qua thực hiện Nghị quyết, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực như thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước các hàng rào thương mại; tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA)...
Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Đó là cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản, tăng trưởng phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ, mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Đây là vấn đề cần được tiếp tục xử lý trong dài hạn.
Góp ý cho báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải chỉ rõ được đâu là cản trở, đâu là nguyên nhân tạo ra trì trệ và muốn hội nhập phải dự báo, dự đoán được diễn biến chính trị, kinh tế các nước trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn.
Đánh giá nguồn nhân lực có vai trò là "chìa khóa" để hội nhập thành công, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị phải chú ý nhiều hơn vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chuẩn bị thực lực để hội nhập thành công
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết, đó là sự thiếu chủ động trong việc đề xuất sáng kiến, đàm phán hiệp định. Vì thế, tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia “cuộc chơi” nào, tổ chức nào một cách chủ động hơn, chứ không chỉ đơn thuần để các nước khác dẫn dắt vào cuộc chơi. “Muốn làm được vậy, đòi hỏi thực lực phải mạnh, phải hoàn thiện thể chế trong nước để phù hợp với các cam kết quốc tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Một hạn chế lớn khác được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra là việc chuẩn bị trong nước lại chưa tương thích, tâm thế hội nhập hạn chế, cơ hội không khai thác hết, thách thức lại không vượt qua được, nên nhiều khi thua ngay trên sân nhà. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề này.
Ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết 1052, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bám sát Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ xác định cơ cấu lại nền kinh tế chính là chuẩn bị nội lực để hội nhập thành công, và muốn tự chủ trong hội nhập thì thực lực phải mạnh lên.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, giai đoạn 2016 - 2020 phải đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế như nợ công, nợ xấu, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ… Thủ tướng Chính phủ mới thành lập Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án doanh nghiệp thua lỗ, ngoài 5 dự án đã báo cáo Quốc hội, sắp tới Chính phủ sẽ báo cáo tiếp 7 dự án.