Đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Ảnh: Lê Tiên |
Để thực hiện được điều đó, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn tập trung vào 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển, đó là kinh tế, xã hội và môi trường.
Phải ổn định được tốc độ tăng trưởng cao
Tại phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam có một năm thành công đáng ghi nhận.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, khối doanh nghiệp tư nhân được coi trọng và thúc đẩy đúng hướng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Điều này cũng giúp Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư đến với thị trường ngày càng rộng mở.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
Ông Eric Sidwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cảnh báo, năm 2019, Việt Nam đối mặt với một môi trường kinh tế thế giới khó khăn hơn bởi kinh tế quốc tế suy giảm đáng kể so với năm trước. Do đây là nền kinh tế mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 200% GDP và còn phụ thuộc khá nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài nên bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra khó khăn cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia lưu ý, thách thức năm 2019 với Việt Nam không chỉ ở những cam kết trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà còn liên quan đến năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và đảm bảo xuất xứ hàng hóa.
Chú trọng 3 trụ cột trong mọi chính sách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cụm từ “nhanh và bền vững” đã thực sự là từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016. Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, mà ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh cánh mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Ousmane Dione đánh giá, Việt Nam đang định hướng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, do đó phải có những cải cách cốt yếu cho nền kinh tế, cụ thể là cải cách về thị trường vốn, lao động, thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy điều hành, thậm chí là cải cách trong quản lý nguồn vốn đầu tư công. Thực hiện những cải cách này cũng là giải pháp giúp Việt Nam bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững.
“Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng có mối quan hệ không thể tách rời yếu tố bền vững về môi trường. Theo tính toán, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu khi yếu tố này có thể ảnh hưởng tới 1,5% GDP hàng năm của Việt Nam đến năm 2050. Do đó, Việt Nam rất cần quan tâm đến vấn đề này” - ông Ousmane Dione khuyến nghị.
Trong năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa.
Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…