"Chung cư mini" nên quản hay nên cấm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra trước đây tại nhà chung cư không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hoặc chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động và đặt ra yêu cầu cấp bách là phải xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về nhà ở, xây dựng, đầu tư, kinh doanh bất động sản, PCCC.
Hiện nay trong cả nước có hơn 10 nghìn chung cư mini. Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay trong cả nước có hơn 10 nghìn chung cư mini. Ảnh minh họa: Internet

“Nở rộ” nhà "chung cư mini”

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay trong cả nước có hơn 10 nghìn chung cư mini, trong đó chỉ riêng thành phố Hà Nội đã có đến 2.000 “nhà chung cư mini”.

Tại TP.HCM, hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Trong số này, có 4.490 cơ sở do cơ quan công an quản lý, trong đó có 103 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ và 37.766 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

Từ thực tế cả nước có hàng ngàn “nhà chung cư mini” với hàng chục ngàn người đang sinh sống và nhu cầu thuê, mua căn hộ “nhà chung cư mini” trong xã hội rất lớn buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi là nên quản hay nên cấm?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, hiện nay các nước trên thế giới đều cho phép loại “nhà chung cư mini” tồn tại, nhưng phải quản lý thật chặt chẽ để bảo đảm an toàn PCCC và phát triển lành mạnh. Cho nên, ở Việt Nam, cần lựa chọn giải pháp nên quản, không nên cấm đối với loại hình nhà ở này.

Tình trạng nở rộ loại “nhà chung cư mini” đi liền với các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở này trong nhiều năm qua đã dẫn đến tình trạng phát triển “vượt ngoài tầm kiểm soát” và có “lỗ hổng, sơ hở” cho giới “đầu nậu” kinh doanh trục lợi, mà một nguyên nhân chủ quan là do các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất.

“Nhà chung cư mini” không phải là “sản phẩm lỗi” của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển “nóng” trước đây như ý kiến của một số chuyên gia, mà “nhà chung cư mini” có căn hộ để cho thuê hoặc để bán là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội trong 13 năm qua, hiện nay và có thể trong nhiều thập niên sắp tới. Bởi lẽ đây là loại căn hộ nhà ở có giá cho thuê, có giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhiều thành phần trong xã hội, đó là người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư", HoREA nêu quan điểm.

Chưa xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, PCCC

Ông Châu cho hay, năm 2012, lần đầu tiên tên gọi “nhà chung cư mini” được chính thức quy định tại Thông tư 12/2012/TT-BXD ngày 28/12/2012 của Bộ Xây dựng về “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị”, mã số QCVN 03:2012/BXD. Tại Mục A-I-d Phụ lục A, Bộ Xây dựng quy định “phân loại nhà chung cư” gồm 5 loại, trong đó có loại “nhà chung cư mini”.

"Nhưng rất tiếc sau khi đã ban hành Thông tư 12/2012/TT-BXD (có hiệu lực trong 10 năm) thì chúng ta vẫn chưa xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, PCCC, đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nên một số quy định pháp luật hiện hành về loại “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini” chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất", ông Châu nhận xét.

Trong một văn bản gửi tới Quốc hội và Bộ Xây dựng ngày 25/9, HoREA nhận định, đây là thời điểm rất thuận lợi để xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý loại “nhà chung cư mini”. Bởi, theo dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều luật, trong đó có dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan.

Cho nên, đã đến lúc cần bổ sung quy định về đầu tư xây dựng “nhà chung cư mini” phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình “nhà chung cư mini”, bao gồm công trình PCCC.

Đồng thời, bổ sung quy định về kinh doanh cho thuê hoặc bán căn hộ “nhà chung cư mini” thì phải đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về quản lý vận hành “nhà chung cư mini” tương tự như quản lý vận hành “nhà chung cư”.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng bổ sung “quy chuẩn kỹ thuật về nhà chung cư mini” vào “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư” thì sẽ quản lý chặt chẽ và phát triển loại “nhà chung cư mini” an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, để áp dụng các quy định của Luật PCCC (sửa đổi) 2020 và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, cần thiết phải bổ sung vào Điều 57 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “nhà ở của hộ gia đình, cá nhân” được xây dựng từ 2 tầng trở lên, mà mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên, kiểu “nhà chung cư mini” thì nhà nhiều tầng đó cũng là “nhà chung cư”, để áp dụng các quy định pháp luật về PCCC.

Mặt khác, đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp. Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định của Luật này xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên là nhà chung cư có quy mô nhỏ (còn gọi là nhà chung cư mini).

Thảm kịch vụ cháy “nhà chung cư mini” vào đêm 12/9/2023 tại Hà Nội tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động và đặt ra yêu cầu cấp bách là phải xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về nhà ở, về xây dựng, về đầu tư, về kinh doanh bất động sản, về PCCC. Dư luận mong rằng, khi được quản lý một cách chặt chẽ, trong tương lai sẽ không còn những thảm kịch tương tự xảy ra.

Tin cùng chuyên mục