Chứng khoán châu Á cao kỷ lục, đồng USD chịu áp lực giảm mạnh

Chứng khoán châu Á cuối cùng đã phá vỡ kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào cuối năm 2007...
Đà tăng điểm của chứng khoán châu Á được thúc đẩy bởi xu hướng lập kỷ lục liên tiếp của chứng khoán Mỹ
Đà tăng điểm của chứng khoán châu Á được thúc đẩy bởi xu hướng lập kỷ lục liên tiếp của chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán châu Á đạt mức điểm cao chưa từng có trong phiên giao dịch sáng đầu tuần hôm nay (15/1). Trong khi đó, đồng USD tiếp tục đối mặt với sức ép giảm giá khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động từ khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2018.

Hãng tin Reuters cho biết, đà tăng điểm của chứng khoán châu Á được thúc đẩy bởi xu hướng lập kỷ lục liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Đầu giờ sáng nay, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,3%, đạt mức 591,66 điểm, cuối cùng cũng đã phá vỡ kỷ lục mọi thời đại trước đó là mức 591,5 điểm thiết lập vào cuối năm 2007.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng hơn 0,3% lúc gần 9h sáng theo giờ Việt Nam. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng gần 0,7%, thị trường Australia có lúc tăng 0,5%.

Giới đầu tư đang lạc quan tin tưởng rằng số liệu tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày thứ Năm tuần này sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng ít nhất 6,7% trong quý 4 năm ngoái. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói tổng sản phẩm trong nước (GDP) nước này tăng 6,9% trong năm 2017, cao hơn dự báo tăng 6,8% mà giới đầu tư đưa ra.

Ở Phố Wall, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 đã bắt đầu, với kết quả khả quan từ các ngân hàng và các công ty bán lẻ, làm gia tăng mức độ lạc quan của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Tuần trước, chỉ số Dow Jones tăng 2%, Nasdaq tăng 1,8%, còn S&P 500 tăng 1,6%. Trong 9 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2018, S&P 500 và Nasdaq đã có 8 phiên lập kỷ lục, còn Dow Jones có 6 phiên tăng điểm.

Theo ông Chris Weston, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc công ty môi giới IG, nói rằng giới đầu tư hiện nay đang đi theo chiến lược bán khống đồng USD và đầu cơ giá lên cổ phiếu tài chính tại thị trường châu Âu và Mỹ.

"Đợt giảm này của chỉ số Dollar Index chính là đợt bán tháo mạnh nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái. Chỉ số này đã giảm dưới mức thấp thiết lập hôm 8/9. Điều này cho thấy giới đầu cơ giá xuống USD hiện đang có ảnh hưởng lớn như thế nào", ông Weston nói.

Dollar Index, thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã lập một mức đáy mới ở 90,896 điểm trong phiên sáng nay. Tỷ giá Euro/USD đạt đỉnh 3 năm ở mức 1,2203 USD/Euro, sau khi tăng 1,3% trong phiên thứ Sáu tuần trước.

Đồng Euro đã tăng giá mạnh thời gian qua do những đồn đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị cắt giảm mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE). Ngoài ra, đồng tiền chung châu Âu còn được hỗ trợ khi Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Đảng Dân chủ xã hội (SDP) đang tiến tới một cuộc đàm phán chính thức về thành lập chính phủ liên minh.

So với đồng Yên Nhật, đồng USD đang ở gần mức thấp nhất 6 tuần, với 111,08 Yên đổi 1 USD.

USD xuống giá và nhu cầu hàng hóa cơ bản của Trung Quốc ở mức cao đã đẩy giá các mặt hàng này gia tăng. Hôm thứ Sáu, giá vàng thế giới có lúc lên gần 1.340 USD./oz, mức cao nhất trong 4 tháng.

Giá dầu thô giảm nhẹ đầu giờ sáng nay, nhưng đã có 6 phiên tăng liên tục. Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ tăng 0,05 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, đứng ở 64,35 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London giảm 0,04 USD/thùng, còn 69,83 USD/thùng.

Tin cùng chuyên mục