Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lợi suất trái phiếu tăng vọt, giá dầu nhảy 2%

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một phiên giao dịch mà sắc đỏ chiếm lĩnh bảng điện tử suốt từ đầu cho tới cuối phiên, khiến cả ba chỉ số không có lúc nào ở trạng thái tăng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (18/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thiết lập đỉnh cao mới vì nỗi lo lãi suất cao hơn lâu hơn. Giá dầu thô tăng lên cao nhất 2 tuần sau khi số liệu thống kê cho thấy lượng tồn kho của Mỹ giảm và nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông trong bối cảnh chiến tranh Israel-Hamas.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 332,57 điểm, tương đương giảm 0,98%, còn 33.665,08 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,34%, còn 4.314,6 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,62%, còn 13.314,3 điểm.

Đây là một phiên giao dịch mà sắc đỏ chiếm lĩnh bảng điện tử suốt từ đầu cho tới cuối phiên, khiến cả ba chỉ số không có lúc nào ở trạng thái tăng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,9% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Cùng với đó, lãi suất bình quân của các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở Mỹ đã chạm mốc 8%, mức cao nhất kể từ năm 2000.

Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được cho là phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Cơ sở của kỳ vọng này là sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ sau 11 lần nâng lãi suất của Fed từ tháng 3/2022 với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm.

“Thị trường đang cố gắng xác định xem liệu lợi suất sẽ đạt đỉnh ở mức nào. Họ muốn biết điều gì sẽ xảy ra khi lợi suất lên đến 5%”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của công ty Harris Financial nói với hãng tin CNBC.

Nhà đầu tư cũng bi quan khi một số doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính quý 3 trong phiên này mang đến kết quả không như mong đợi. Cổ phiếu hãng hàng không United Airlines giảm 9,7% sau khi hãng đưa ra kỳ vọng ảm đạm về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới. Cổ phiếu ngân hàng đầu tư Morgan Stanley giảm 6,8%, mức giảm sâu nhất trong một phiên kể từ năm 2000, do kết quả không đạt kỳ vọng ở mảng quản lý gia sản.

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận quý 3 cho tới thời điểm này nhìn chung khả quan. Trong số 10% doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã báo cáo, 78% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo.

Theo chiến lược gia cấp cao Kevin Gordon của công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, trong mùa báo cáo tài chính này, Phố Wall sẽ quan tâm nhiều hơn đến yếu tố tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Ông nói thêm rằng nhà đầu tư sẽ cố gắng để phân biệt giữa những công ty đang nhận được lực cầu tăng đối với sản phẩm-dịch vụ, và những công ty đạt được tăng trưởng lợi nhuận chỉ nhờ cắt giảm chi phí.

“Chúng ta đang ở thời điểm mà các công ty thực sự cần chứng minh được nhu cầu thực đang quay trở lại. Nếu không, giá cổ phiếu sẽ không tăng được như những gì mà nhiều người đang kỳ vọng”, ông Gordon nói.

Cổ phiếu chip như Nvidia và AMD tiếp tục chật vật trong phiên này, nối tiếp xu hướng bị bán tháo của phiên trước. Áp lực đối với cổ phiếu chip đến từ việc Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Ba tuyên bố các biện pháp tăng cường nhằm hạn chế bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho Trung Quốc.

Sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Tư, hãng xe điện Mỹ Tesla công bố báo cáo tài chính quý 3 với doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích, CEO Elon Musk bày tỏ lo ngại về môi trường lãi suất cao. “Nếu lãi suất còn cao, mọi người sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mua xe”, ông Musk nói.

Trong thời gian còn lại của tuần này, lãi suất sẽ tiếp tục là chủ đề nóng ở Phố Wall, và tâm điểm của nhà đầu tư đang hướng tới bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào ngày thứ Năm. Ngoài ra, nhà đầu tư đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,6 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở mức 91,5 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,66 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 88,32 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho thương mại của nước này giảm 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10. Mức giảm này sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,3 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, và đánh dấu tuần giảm thứ tư của kho dầu Mỹ trong vòng 5 tuần trở lại đây.

Căng thẳng ở Trung Đông cũng đang là một nhân tố kích giá dầu tăng. Nhà phân phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhấn mạnh việc giá dầu lập đỉnh của phiên sau khi Iran kêu gọi cấm vận dầu lửa đối với Israel sau vụ nổ tại một bệnh viện ở dải Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. Hiện vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ này, trong khi Israel và Palestine vẫn cáo buộc đối phương đứng sau vụ nổ.

Trong một diễn biến khác, Jordan huỷ một cuộc gặp thượng đỉnh mà nước này dự kiến đăng cai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Ai Cập và Palestine. Ông Biden đã tới Israel vào ngày thứ Tư mang theo cam kết ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas.

Việc cuộc gặp thượng đỉnh bị huỷ là “một bước ngoặt ngoại giao làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của xung đột, khiến giá dầu tăng mạnh”, chuyên gia John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil phát biểu.

Ngoài ra, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 3 và doanh thu bán lẻ tháng 9 của Mỹ cũng tăng tốt hơn kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục