Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/9), khi nhà đầu tư lo ngại về xu hướng suy yếu của thị trường trong tháng 9 và nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 sụt 1,7%, còn 4.357,73 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 12/5 – hãng tin CNBC cho hay. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc đỏ.
Chỉ số Dow Jones trượt 1,8%, còn 33.970,47 điểm, đánh dấu cú giảm mạnh nhất kể từ hôm 19/7. Chỉ số Nasdaq lao dốc 2,2%, còn 14.713,9% điểm.
Tin tốt duy nhất trong phiên này là Dow Jones đóng cửa ở mức cao hơn nhiều so với mức đáy thiết lập trong phiên. Chỉ số mất hơn 614 điểm khi đóng cửa, trong khi ở mức đáy, chỉ số giảm 971 điểm.
Giới phân tích đã đưa ra một số lý do cho phiên giảm chóng mặt này của giá cổ phiếu ở Phố Wall.
Thứ nhất, nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng lan rộng trên thị trường tài chính từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Việc hãng địa ốc China Evergrande Group bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trước đó trong phiên đầu tuần. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 4% khi cổ phiếu Evergrande giảm 14%.
Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày. Nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương này sẽ phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm chương trình mua tài sản, vì lạm phát ở Mỹ đang tăng cao và thị trường việc làm đã có nhiều cải thiện.
Thứ ba, do biến chủng Delta, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vẫn đang ở mức ngang ngửa với thời điểm tháng 1, trong khi khu vực Bắc Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá.
Thứ tư, tháng 9 luôn là tháng tệ nhất của chứng khoán Mỹ hàng năm, với mức giảm bình quân lịch sử là 0,4%, theo dữ liệu từ Stock Trader’s Almanac. Lịch sử cũng cho thấy thị trường có xu hướng bán mạnh hơn trong nửa cuối tháng.
Và thứ năm, nhà đầu tư cũng lo ngại về thế bế tắc chính trị ở Washington DC khi thời hạn nâng trần nợ quốc gia đang đến gần. Nếu trần nợ không được nâng đúng hạn, Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vì hết ngân sách để hoạt động.
Phiên bán tháo ngày thứ Hai có lúc đẩy S&P 500 xuống mức thấp hơn 5% so với kỳ lục gần nhất. Đã từ rất lâu thị trường chưa đối mặt với sự bán tháo mạnh đến như vậy. Điểm số của S&P 500 khi đóng cửa thấp hơn 4,1% so với kỷ lục.
Những cổ phiếu có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị bán mạnh hơn cả trong phiên này. Cổ phiếu hãng xe Ford sụt 5%; hãng xe GM lao dốc 3,8%; hãng sản xuất máy bay Boeing trượt 1,8%; hãng thép Nucor mất 7,6%.
Cổ phiếu năng lượng “đỏ lửa” khi giá dầu trượt dốc vì mối lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhóm này giảm 3%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London mất 1,42 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 73,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tụt 1,68 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 70,29 USD/thùng.
Giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh do nhà đầu tư tìm đến những tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vì thế giảm 0,06 điểm phần trăm, còn 1,31%.
Diễn biến chứng khoán Mỹ đến thời điểm này phù hợp với xu hướng lịch sử của tháng 9, với Dow Jones đã giảm 3,9%; S&P 500 mất 3,7%; và Nasdaq giảm 3,6% từ đầu tháng.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall vượt ngưỡng 28 điểm phiên này, lên mức cao nhất từ tháng 5.
Những tài sản rủi ro khác cũng mất giá mạnh. Giá tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin có lúc giảm 10%, còn dưới 43.000 USD.
Hầu hết các hàng hoá cơ bản đều giảm giá. Riêng vàng, một tài sản “vịnh tránh” bão, chốt phiên với mức tăng 0,7%.