Chứng khoán Mỹ đứt chuỗi phiên tăng, dầu thô sụt giá

0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư lo ngại về tình hình Afghanistan và thận trọng trước hội nghị của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Trước phiên giảm này, thị trường đã có 5 phiên tăng liên tục, trong đó có 2 phiên S&P 500 lập kỷ lục và 3 phiên Nasdaq đạt mức cao nhất mọi thời đại...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ trượt hỏi mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (26/8), chấm dứt chuỗi phiên tăng trước đó, do nhà đầu tư lo ngại về tình hình Afghanistan và thận trọng trước hội nghị của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Dầu thô cũng giảm giá trở lại sau 3 phiên tăng không nghỉ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,5%, còn 35.213,12 điểm. S&P 500 giảm 0,5%, còn 4.470 điểm. Nasdaq mất 0,6%, còn 14.945,81 điểm.

Trước phiên giảm này, thị trường đã có 5 phiên tăng liên tục, trong đó có 2 phiên S&P 500 lập kỷ lục và 3 phiên Nasdaq đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư giảm bớt phần nào trước tin từ Lầu Năm Góc nói rằng 12 binh sỹ quân đội Mỹ đã thiệt mạng và 15 binh sỹ Mỹ khác bị thương trong hai vụ nổ bên ngoài thủ đô Kabul vào ngày 26/8.

Những số liệu kinh tế tốt xấu đan xen cũng khiến nhà đầu tư kém vui.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần được Bộ Lao động Mỹ báo cáo ở mức 353.000, cao hơn con số 349.000 của tuần trước và nhiều hơn mức dự báo của giới phân tích. Trái lại, một báo cáo từ Bộ Thương mại cho biết GDP của Mỹ tăng trưởng 6,6% trong quý 2, cao hơn mức 6,5% đưa ra trong báo cáo sơ bộ.

Hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, lần này diễn ra theo hình thức trực tuyến do Covid-19, đã bắt đầu vào ngày thứ 26/8, khi một loạt quan chức Fed phát biểu trước truyền thông. Tuy nhiên, phần lõi của sự kiện là một bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Sáu. Thị trường chờ đợi ở bài phát biểu này những tín hiệu rõ hơn về chủ trương chính sách tiền tệ của Fed, đặc biệt là kế hoạch đối với chương trình mua tài sản.

Trao đổi với hãng tin CNBC ngày 26/8, một số quan chức Fed đã thể hiện một lập trường cứng rắn.

Bà Esther George, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, nói rằng “với những tiến bộ mà chúng ta đã chứng kiến”, việc Fed cắt giảm chương trình mua tài sản là phù hợp. Tuy nhiên, bà Geroge không nói cụ thể Fed nên bắt đầu việc cắt giảm này vào lúc nào.

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, thì nói rằng Fed nên bắt đầu thắt chặt sớm, đến tháng 3/2022 cần kết thúc chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng, nhằm ngăn nền kinh tế Mỹ trở nên quá nóng.

Trao đổi với Reuters, ông Robert Kaplan, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, nói ông tin rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ như hiện nay là đủ để Fed có thể cắt giảm chương trình mua tài sản từ tháng 10 hoặc muộn hơn một chút.

Do dầu thô sụt giá, năng lượng là một trong những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này, như Diamondback Energy và Occidental Petroleum giảm 2,5% mỗi cổ phiếu; APP Corp. giảm 2,4% và Halliburton sụt 1,9%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, chốt ở 71,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,65 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 67,71 USD/thùng.

Giá hai loại dầu đã giảm hơn 9% trong tuần trước rồi tăng 10% trong ba phiên đầu của tuần này. Sự giằng co là kết quả của tâm trạng bấp bênh: nhà đầu tư có lúc lo lắng, song lại có lúc lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh biến chủng Delta của Covid-19 gây ra một làn sóng lây nhiễm phức tạp trên toàn cầu.

“Xét đến những rủi ro từ biến chủng Delta và xét đến chương trình tiêm chủng đang được đẩy nhanh, nhiều khả năng nửa sau của năm nay sẽ chứng kiến sự giằng co của giá dầu trước khi mọi thứ có thể bình thường trở lại trong năm 2022 như hy vọng”, một báo cáo của Eurasia Group nhận định.

Tin cùng chuyên mục