Chứng khoán Mỹ lao dốc sau báo cáo lạm phát cực nóng, giá dầu giằng co, Bitcoin giảm

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi báo cáo lạm phát cho thấy giá cả ở nước này tăng mạnh hơn dự báo và lợi suất trái phiếu kho bạc bùng nổ...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu giằng co giữa giảm và tăng, trong khi giá Bitcoin đảo ngược xu hướng tăng mấy ngày gần đây.

Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq sụt 2,1%, còn 14.185,64 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,8%, còn 4.504,08 điểm. Chỉ số Dow Jones “bay” 526,47 điểm, tương đương giảm 1,47%, còn 35.241,59 điểm.

Các chỉ số đã biến động mạnh trong suốt phiên giao dịch, có thời điểm tăng và cũng có lúc Dow Jones giảm tới hơn 600 điểm. Cuối cùng, các chỉ số cùng chốt phiên ở trạng thái chìm sâu trong sắc đỏ vì các nhà giao dịch tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 7,2-7,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10% nhảy vọt qua mốc 2% sau khi dữ liệu này được đưa ra, so với mức 1,51% vào thời điểm đầu năm.

Lãi suất ngắn hạn thậm chí tăng mạnh hơn, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ “chơi lớn” để lạm phát cao không thể trở nên dai dẳng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 0,26 điểm phần trăm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ 2009.

“Với một cú tăng bất ngờ nữa của lạm phát trong tháng 1, thị trường tiếp tục lo lắng về khả năng Fed sẽ quyết liệt hơn so với những gì đã được dự báo. Mọi thứ có thể đang trở nên tốt hơn, nhưng mối lo của thị trường về một sự thắt chặt quá mức của Fed sẽ không biến mất chừng nào còn chưa có những tín hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đã được đưa trở lại tầm kiểm soát”, chiến lược gia Barry Gilbert thuộc LPL Financial phát biểu.

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói với hãng tin Bloomberg rằng ông để ngỏ khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3. Ông cũng nói muốn lãi suất đến tháng 7 sẽ tăng 1 điểm phần trăm so với hiện tại.

Cổ phiếu công nghệ lớn đồng loạt bán tháo sau tuyên bố này của ông Bullard: Microsoft sụt 2,8%; Shopify mất 3,4%; Adobe sụt 5%... Lãi suất tăng có xu hướng gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác, vì khiến cho lợi nhuận tương lai của các công ty này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Các chỉ số tương lai được nhà vận hành sàn giao dịch CME theo dõi cho thấy khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3 đã lên tới gần 100%. Thị trường cũng đang tính đến khả năng 61% Fed có 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay, đồng nghĩa với trong tất cả các cuộc họp chính sách trong năm 2022, lần nào Fed cũng nâng lãi suất.

“Có hai việc mà Fed phải làm. Thứ nhất, họ phải lấy lại uy tín trong vấn đề chống lạm phát. Họ đang quá chậm chạm so với lạm phát. Và thứ hai, họ phải kiểm soát được kịch bản chính sách”, cố vấn kinh tế trưởng Mohammed El-Erian của Allianz nhận định.

Các chuyên gia của ngân hàng Citigroup cũng dự báo nhiều khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3.

“Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 2%, cùng với mức lạm phát cáo hơn dự báo, và tiếp đó là chu kỳ thắt chặt quyết liệt hơn của Fed là những yếu tố bất lợi cho giá cổ phiếu nói chung, đặc biệt là những công ty phụ thuộc vào vay nợ như doanh nghiệp công nghệ”, chuyên gia Kathy Bostajancic của Oxford Economics phát biểu. “Sự bù đắp quan trọng cho bất lợi này là tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận đang tốt. Tuy nhiên, nếu Fed hành động mạnh, tăng trưởng có thể chậm lại nhiều”.

Trên thị trường năng lượng, triển vọng Fed đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ cũng gây áp lực giảm lớn lên giá dầu.

Sau khi tăng hơn 1% vào đầu phiên, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,14%, tương đương giảm 0,15%, chốt ở 91,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,25%, chốt ở 89,88 USD/thùng.

Đầu tuần này, giá dầu đạt mức cao nhất 7 năm do căng thẳng địa chính trị và do nhu cầu tiêu thụ dầu mạnh mẽ khiến lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm.

Trong một báo cáo hàng tháng ra ngày thứ Năm, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nói rằng nhu cầu dầu của thế giới có thể tăng mạnh hơn trong năm nay do kinh tế phục hồi mạnh từ đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy trong tháng 1, OPEC không thể nâng sản lượng đủ như đã cam kết, cho dù khối này và đồng minh đã hứa sẽ phục hồi dần phần sản lượng đã cắt giảm trong năm 2020, khi đại dịch Covid 19 vừa mới bắt đầu.

Các chuyên gia thuộc Capital Economics cho rằng có khả năng trong năm nay OPEC sẽ không thể hồi được hết phần sản lượng đã cắt giảm, dẫn tới khả năng giá dầu có thể tăng mạnh hơn dự báo. Với quan điểm tương tự, chuyên gia của Mitsubishi UFJ Financial Group nói rằng với lượng dầu tồn kho thấp, nguồn cung eo hẹp, và sản lượng dầu đang ở gần mức tối đa, giá dầu sẽ còn tăng mạnh.

Sau mấy ngày duy trì xu thế tăng nhẹ, giá Bitcoin đã quay đầu giảm nhẹ do áp lực từ sự bán tháo trên thị trường chứng khoán. Giới phân tích nói rằng điều này một lần nữa cho thấy đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đang có diễn biến ngày càng giống một tài sản rủi ro thay vì an toàn.

Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 43.633 USD, giảm gần 1,8% so với cách đó 24 tiếng.

Tin cùng chuyên mục