Chứng khoán Mỹ mất điểm cuối phiên, giá dầu lại vọt mạnh sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập dầu Nga

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, có thời điểm tăng mạnh nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 8/3 - ẢNh: NYSE/CNBC.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 8/3 - ẢNh: NYSE/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/3), khi tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về cấm nhập dầu Nga đẩy giá dầu tiếp tục leo thang, đặt ra áp lực lạm phát ngày càng lớn.

Thị trường đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, có thời điểm tăng mạnh nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 185 điểm tương đương giảm 0,6%, còn 32.632,64 điểm. Trong phiên, có lúc Dow Jones tăng 184 điểm. Với phiên giảm này, Dow Jones tiến sâu hơn vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).

Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, chốt ở 4.170,7 điểm, rơi vào thái thị trường điều chỉnh. Chỉ số Nasdaq mất 0,3%, còn 12.795,55 điểm. Trước đó, Nasdaq đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vào hôm thứ Hai.

Biến động của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra khi nhà đầu tư cảm thấy một sự bấp bênh lớn trong lúc họ tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của tình trạng theo thang giá hàng hoá cơ bản như dầu, xăng, khí đốt và các kim loại quý. Tình trạng tăng giá chóng mặt của những mặt hàng này đang thổi bùng mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu giữa lúc lạm phát không ngừng đi lên.

Thị trường vẫn đang chờ xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều khiển được một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế - ông Ross Mayfield, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc Baird, nhận định. Tuy nhiên, ông Mayfield cho rằng kinh tế Mỹ vẫn có khả năng tránh được suy thoái.

Cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới. Giới đầu tư đặt cược gần như chắc chắn vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, và chờ xem liệu Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào về đường đi của chính sách tiền tệ khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine đặt ra những rủi ro mới đối với tăng trưởng và lạm phát.

“Sức mạnh của thị trường lao động Mỹ, của người tiêu dùng Mỹ, và doanh nghiệp Mỹ sẽ giữ vai trò đối trọng để giúp nền kinh tế tránh rơi vào tình trạng suy thoái trong ngắn hạn”, ông Mayfield nói với hãng tin CNBC. “Nói chung, biến động trên thị trường sẽ tiếp diễn. Có nhiều khả năng khác nhau cho kết cục của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Mỹ vẫn ổn, nhất là nếu Fed có thể điều khiển việc nâng lãi suất sao cho không gây ra sự đứt gãy về nhu cầu”.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có lúc tăng 7%, đạt 128 USD/thùng, trước khi kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 3,6%, đạt 123,7 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng 7,7%, đạt 132,75 USD/thùng. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tăng 4,3%, đạt 123,21 USD/thùng.

Giá dầu lập đỉnh của phiên khi ông Biden tuyên bố lệnh cấm của Mỹ đối với nhiên liệu hoá thạch từ Nga, bao gồm dầu thô, để đáp trả việc Nga tấn công Ukraine. Vào đầu tuần này, khả năng Mỹ đưa ra lệnh cấm như vậy đã đẩy giá dầu WTI lên gần 130 USD/thùng và giá dầu Brent lên gần 140 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008.

Giá các hàng hoá cơ bản khác cũng tăng chóng mặt, như giá nickel lập kỷ lục mới trên 100.000 USD/tấn.

Mối lo lạm phát khiến nhà đầu tư bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ phiên này, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 0,1 điểm phần trăm, lên 1,85 điểm phần trăm.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang tăng nhẹ. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com vào lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin giao dịch gần 38.750 USD, tăng gần 2% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Tin cùng chuyên mục