Chứng khoán Mỹ mất điểm vì cảnh báo thương mại của ông Trump

Cuộc chiến thương mại leo thang khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng thị trường...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi Tổng thống Donald Trump đặt ra khả năng áp thuế lên hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cổ phiếu Apple sụt giá sau khi hãng này bày tỏ lo ngại một số sản phẩm của hãng có thể bị áp thuế.

Xu thế giảm điểm đã diễn ra ở Phố Wall trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch ngày 7/9, nhưng mức giảm giá được đẩy sâu hơn trong nửa giờ cuối cùng của phiên khi có thông tin nói rằng một số sản phẩm của Apple, bao gồm Apple Watch và Airpods, có thể bị áp thuế quan bổ sung theo kế hoạch đánh thuế hàng hóa từ Trung Quốc của ông Trump.

Dù tăng giá trước đó trong phiên, cổ phiếu "quả táo" chốt phiên với mức giảm 0,8% do ảnh hưởng của thông tin bất lợi này.

Mối lo của Apple đã được đưa ra trong đánh giá của công ty này về kế hoạch của Nhà Trắng về áp thuế quan bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời hạn tham vấn công chúng về kế hoạch đánh thuế này đã kết thúc vào ngày thứ Năm. Nhà Trắng cho biết đang xem xét ý kiến của công chúng để ông Trump ra quyết định về kế hoạch.

"Apple đang là cái tên khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại trong kế hoạch áp thuế này", chiến lược gia trưởng thị trường Quincy Krosby thuộc Prudential Financial ở Newark, New Jersey, phát biểu. "Đó là lý do tại sau nhiều người bán cổ phiếu chốt lời trước khi bước vào kỳ nghỉ cuối tuần".

Ngoài ra, chứng khoán Mỹ phiên này cũng chịu áp lực giảm từ việc ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa, ngoài kế hoạch áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa đang được cân nhắc, và kế hoạch 50 tỷ USD đã triển khai.

Cuộc chiến thương mại leo thang khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng thị trường. "Có khả năng Trung Quốc sẽ lại giảm giá đồng Nhân dân tệ. Điều đó đẩy tỷ giá USD tăng và gây áp lực lên các công ty xuất khẩu của Mỹ", ông Krosby phát biểu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,31%, còn 25.916,54 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,22%, còn 2.871,68 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,25%, còn 7.902,54 điểm.

Tính chung cả tuần này, Dow Jones giảm 0,19%; S&P 500 sụt 1,03%; Nasdaq mất 2,55%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ cuối tháng 3, đồng thời là tuần giảm mạnh nhất của S&P kể từ cuối tháng 6.

Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu công bố báo cáo việc làm tháng 8 cho thấy tăng trưởng việc làm được đẩy mạnh và tiền lương tăng mạnh. Nước Mỹ có thêm 201.000 việc làm mới trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,9%, gần thấp nhất kể từ năm 1969, trong khi tiền lương tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng, nhưng đặt ra lo ngại về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất. Do đó, cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã giảm ngay từ đầu phiên hôm qua, sau khi báo cáo việc làm được công bố.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, có 10 nhóm kết thúc phiên trong trạng thái giảm. Duy chỉ có nhóm y tế tăng điểm.

Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Broadcom tăng 7,7% sau khi hãng đưa ra dự báo doanh thu quý 3 khả quan.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla lao dốc 6,3% sau khi có tin hai nhà điều hành của hãng thôi việc. Giới đầu tư cũng "bất an" khi chứng kiến Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của Tesla hút cần sa trong một chương trình trực tiếp (live) trên web.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,21 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,24 lần.

Có tổng cộng 6,25 tỷ cổ phiếu được các nhà đầu tư chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,2 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục