Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC. |
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/2), khi nhà đầu tư gom mua mạnh những cổ phiếu công nghệ bị bán tháo từ đầu năm. Giá dầu thể hiện nỗ lực bám trụ mốc 90 USD/thùng dù chịu sức ép từ tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran. Giá Bitcoin duy trì xu thế tăng nhẹ ở vùng đỉnh của 1 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 305,28 điểm, tương đương tăng 0,86%, đạt 35.768,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, đạt 4.587,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,8%, chốt ở 14.490,37 điểm.
Toả sáng trong phiên này là những cổ phiếu đã tăng vượt trội ở Phố Wall trong thời gian phong toả vì Covid-19 hồi năm 2020. Cổ phiếu các công ty thương mại điện tử Shopify và Etsy tăng tương ứng hơn 5% và 3,8%. Hai cổ phiếu hỗ trợ làm việc ở nhà DocuSign và Zoom Video tăng tương ứng 5,2% và 4,8%.
Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, bật tăng 5,4%. Trước phiên này, cổ phiếu Meta đã mất giá chóng mặt suốt từ hôm thứ Năm tuần trước sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng.
Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp của Nasdaq, đưa chỉ số phục hồi hơn 8% kể từ mức đáy đóng cửa gần đây thiết lập hôm 27/1. Đầu năm nay, Nasdaq đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
“Trên thị trường bây giờ có rất nhiều đối tượng khác nhau. Có những người chỉ mua bán ngắn hạn. Đối với những người này, họ nhận thấy sức hút lớn ở những cổ phiếu thân thiện với làm việc ở nhà, vốn là những cổ phiếu bị bán mạnh trong mấy tháng qua và hiện đang có mức giá rất rẻ”, Giám đốc đầu tư Wayne Wicker của MissionSquare Retirement phát biểu.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư lâu dài dựa trên các yếu tố nền tảng. Nhóm này đang gom những cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ một nền kinh tế mạnh như cổ phiếu du lịch-lữ hành, bởi đại dịch Covid không còn là một mối lo lớn đối với người tiêu dùng như trước đây – ông Wicker nhấn mạnh.
Cổ phiếu hãng tàu du lịch Norwegian Cruise Line Holdings tăng 4,3%; cổ phiếu hãng hàng không Delta Air Lines tăng gần 3%, khi mối lo về biến chủng Omicron trên thị trường tài chính dịu đi. Bang New York ngày 9/2 tuyên bố sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng trong nhà.
Giới đầu tư đang nóng lòng chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ mà Bộ Lao động nước này sẽ công bố trong ngày 10/2 để có một cái nhìn rõ nét hơn về bức tranh lạm phát. Một mức tăng vượt dự báo có thể đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Theo dữ liệu từ Dow Jones, giới phân tích dự báo CPI tháng 1 của Mỹ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 40 năm, và tăng 0,4% so với tháng trước.
Lợi suất trái phiếu giảm nhẹ phiên này, sau khi tăng chóng mặt những phiên gần đây. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc 1,95%, sau khi đạt mức 1,97% trong phiên ngày thứ Ba. Lợi suất dịu đi tạo cú huých cho cổ phiếu công nghệ - nhóm thường chịu áp lực giảm lớn khi lãi suất tăng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,77 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 91,55 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,3 USD/thùng, chốt ở 89,66 USD/thùng.
Khả năng Mỹ-Iran đạt một thoả thuận hạt nhân mới đang gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, giá “vàng đen” được hỗ trợ trong phiên này sau khi dữ liệu hàng tuần của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho thương mại của ở nước này giảm gần 5 triệu thùng trong nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đạt mức cao kỷ lục.
Theo báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô giảm 4,8 triệu thùng trong tuần trước, một mức giảm nằm ngoài dự báo, còn 410,4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ trong tuần báo cáo đạt kỷ lục 21,9 triệu thùng/ngày.
“Những con số này chắc chắn có tác dụng hỗ trợ cho giá dầu. Lượng tồn kho đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group phát biểu.
Ngoài dữ liệu của Mỹ, giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng tiếp diễn ở Vùng Vịnh – nơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục hứng những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen – và ở châu Âu, nơi Nga tập trung hàng trăm nghìn quân ở biên giới Ukraine.
Phản ứng với đà leo thang của giá dầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này tuyên bố đang đàm phán với các nước sản xuất dầu lớn để tăng sản lượng dầu, cũng như tính chuyện tiếp tục xả dự trữ dầu chiến lược như đã làm hồi cuối năm ngoái. Sau khi thị trường đóng cửa phiên này, Nhà Trắng cho biết ông Biden và nhà vua Salman của Saudi Arabia vừa có một cuộc điện đàm, trong đó có thảo luận về việc duy trì ổn định nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Trên thị trường tiền ảo, xu hướng tăng nhẹ của Bitcoin vẫn đang duy trì, đưa giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới lên đỉnh mới của 1 tháng. Lúc gần 7h sáng nay (10/2), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 44.394 USD, tăng 0,5% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.