Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt giảm sau chuỗi phiên tăng liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
Mối quan tâm lớn hơn của nhà đầu tư ở thời điểm này là sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sẽ diễn biến như thế nào...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (25/9), với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 trượt khỏi kỷ lục thiết lập trong phiên trước đó. Giá dầu thô cũng đi xuống, với mức giảm hơn 2%, khi mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dịu đi và mối lo về sự suy yếu của nhu cầu phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 293,47 điểm, tương đương giảm 0,7%, còn 41.914,75 điểm. S&P 500 giảm 0,19%, còn 5.722,26 điểm. Cả hai chỉ số đều lập kỷ lục nội phiên trước đó, nhưng cuối cùng chốt phiên trong sắc đỏ. Trước phiên giảm này, Dow Jones có 4 phiên tăng không nghỉ.

Riêng chỉ số Nasdaq ghi nhận mức tăng nhẹ 0,04%, đạt 18.082,21 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, có 9 nhóm giảm điểm phiên này, dẫn đầu là nhóm năng lượng do giá dầu thô trượt dốc. Cổ phiếu hãng dầu lửa Chevron giảm hơn 2%.

Trái lại, cổ phiếu công nghệ là một điểm sáng trên thị trường. HP tăng hơn 5% sau khi được các nhà phân tích của ngân hàng Barclays tăng khuyến nghị nắm giữ trên cơ sở cho rằng công ty này sẽ hưởng lợi từ nhu cầu trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đang mạnh. Nvidia tăng 2,2%, đưa giá trị vốn hóa thị trường vượt qua mốc 3 nghìn tỷ USD.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang trên đà hoàn tất một tháng tăng điểm, dù mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế vẫn còn đó sau động thái giảm lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần trước. Việc Fed khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đến nay đã giúp thị trường chống lại sự bất lợi của yếu tố mùa vụ, bởi lịch sử cho thấy tháng 9 thường là một tháng xấu trong năm của giá cổ phiếu ở Phố Wall.

“Điều này nhất quán với những gì thường thấy trong lịch sử: Giá cổ phiếu thường tăng tốt trong những giai đoạn khi Fed nới lỏng trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ thành công của Fed trong nỗ lực đưa nền kinh tế hạ cánh mềm sẽ là một điều rất quan trọng trong việc quyết định triển vọng của các loại tài sản khác”, Giám đốc đầu tư mảng quản lý gia sản toàn cầu Solita Marcelli của ngân hàng UBS nói với hãng tin CNBC.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 57,4% Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, và khả năng 42,6% Fed chọn mức giảm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đó.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn của nhà đầu tư ở thời điểm này là sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sẽ diễn biến như thế nào. Các số liệu công bố gần đây chỉ báo về một nền kinh tế đang giảm tốc.

Báo cáo ngày thứ Tư cho thấy doanh số bán nhà mới ở Mỹ trong tháng 8 giảm 4,7% so với tháng trước, còn 716.000 căn. Số liệu của tháng 7 được điều chỉnh giảm còn 751.000 căn. Ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tuần về số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,71 USD/thùng, tương đương giảm 2,27%, chốt ở mức 73,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,87 USD/thùng, tương đương giảm 2,61%, còn 69,69 USD/thùng.

Tại Libya, các phe phái chính trị đã đạt được một thỏa thuận về quy trình bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương. Đây là một bước đi ban đầu nhằm giải quyết mâu thuẫn xung quanh quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Mâu thuẫn này vốn là nguyên nhân khiến sản lượng và xuất khẩu dầu của Libya sụt giảm.

“Khả năng sản lượng dầu của Libya tăng trở lại là lý do chính khiến giá dầu giảm phiên này”, Giám đốc Bob Yawger phụ trách mảng thị trường năng lượng tương lai của Mizuho nhận định với hãng tin Reuters. “Không có gì là phi thực tế khi dự báo giá dầu giảm 5 USD/thùng khi mớ bòng bong ở Libya được gỡ”.

Trong khi đó, các biện pháp kích cầu bằng chính sách tiền tệ mà Trung Quốc công bố trong tuần này - gói kích thích kinh tế lớn nhất của nước này kể từ đại dịch Covid-19 - vấp phải sự nghi ngờ của giới chuyên gia. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc cần thêm các biện pháp kích thích tài khóa để vực dậy tăng trưởng kinh tế ở quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

“Sự bất định này làm gia tăng mối hoài nghi về tăng trưởng nhu cầu dầu bền vững, vì thế gây áp lực giảm lên giá dầu”, ông George Khoury, trưởng nghiên cứu của CFI Financial Group, nhận định.

Trước phiên giảm này, giá dầu đã tăng khoảng 1,7% trong phiên ngày thứ Ba sau khi Trung Quốc công bố gói kích cầu gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất và bơm tiền vào thị trường tài chính.

Giá dầu hiện vẫn đang được hỗ trợ bởi xung đột leo thang giữa phiến quân Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon và Israel. Các cuộc tấn công tên lửa giữa hai bên đang đẩy cao mối lo về một cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông, dù Iran - một thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và hậu thuẫn Hezbollah - cho thấy sự kiềm chế.

Tin cùng chuyên mục