Chứng khoán Mỹ vẫn nhích tăng dù Fed có thể thắt chặt từ tháng 11

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/10), khi nhà đầu tư phân tích dữ liệu từ những báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đầu tiên và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm chương trình mua tài sản ngay từ tháng tới...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô chững lại khi có một vài dấu hiệu của sự giảm tốc nhu cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, đạt 4.363,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,7%, đạt 14.571,64 điểm. Chỉ số Dow Jones gần như đi ngang và chốt ở 34.377,81 điểm.

Với phiên tăng này, chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi ba phiên giảm trước đó.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định chính sách tiền tệ trong Fed, được công bố ngày 13/10 cho thấy ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay từ giữa tháng 11.

“Những người tham gia cuộc họp nhìn chung đánh giá rằng miễn là sự phục hồi kinh tế cơ bản được duy trì đúng hướng, một quy trình từ từ cắt giảm chương trình mua tài sản có thể hoàn tất vào khoảng giữa năm sau là phù hợp”, biên bản có đoạn viết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ được Bộ Lao động nước này công bố cùng ngày cho thấy mức tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này cao hơn so với dự báo tăng tương ứng 0,3% và 5,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

“Phần lớn những sức ép lạm phát này chỉ là tạm thời, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Con số của ngày hôm nay, với lạm phát giá thực phẩm và nhà cửa đều tăng, cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với người tiêu dùng”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Global Investors nhận định.

Không tính giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo tăng tương ứng 0,3% và 4%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã bắt đầu với báo cáo đầu tiên đến từ ngân hàng JPMorgan Chase. Cả doanh thu và lợi nhuận của nhà băng lớn nhất nước Mỹ này đều cao hơn dự báo, nhưng giá cổ phiếu JPMorgan Chase vẫn giảm 2,6% sau khi được công bố. Tính từ đầu năm, cổ phiếu JPMorgan Chase đã tăng 26%.

“Chúng ta đang ở vào một thời điểm mà định giá cổ phiếu dừng tăng, và thậm chí đang giảm xuống, trong khi tăng trưởng lợi nhuận đang đạt đỉnh”, Giám đốc phụ trách vĩ mô toàn cầu của Fidelity Investments, ông Jurrien Timmer, phát biểu. “Điều đó khiến đà tăng của thị trường yếu đi”.

Cổ phiếu Apple giảm 0,4% sau khi Bloomberg đưa tin rằng hãng này có thể phải cắt giảm sản lượng điện thoại iPhone 13 vì thiếu chip. Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ lớn khác đồng loạt đi lên nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống sau đợt tăng mạnh gần đây.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, chốt ở 83,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương 0,25%, chốt ở 80,44 USD/thùng.

Trước đó, vào hôm thứ Ba, giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 phiên thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh thế giới đương đầu khủng hoảng năng lượng.

Dầu giảm giá sau khi Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu của nước này trong tháng 9 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/10 công bố các biện pháp có thể được triển khai trong khối để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng chóng mặt gần đây, cho biết các quốc gia nội khối có thể mua chung khí đốt. So với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt ở châu Âu hiện tăng gấp 8 lần.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2021, nhưng giữ nguyên dự báo cho năm 2022. Tuy vậy, OPEC nói rằng việc giá khí đốt tăng vọt có thể thúc đẩy nhu cầu nhiêu thụ dầu để thay thế cho khí đốt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói giá dầu có thể sớm đạt 100 USD/thùng và nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu nếu được đề nghị.

Thị trường năng lượng hiện đang theo dõi liệu sự thắt chặt nguồn cung sẽ ảnh hưởng ra sao đến nhu cầu tiêu thụ dầu, nhất là ở Trung Quốc. “Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Nước này đang ở trong một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng”, chuyên gia Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.

Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tháng 9 tăng do các hoạt động kinh tế tăng tốc, nhưng giá dầu thế giới tăng vọt có thể gây trở ngại cho quá trình phục hồi kinh tế ở nước này.

Tại Mỹ, giá xăng giao sau đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 phiên thứ tư liên tiếp.

Tin cùng chuyên mục