Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Thống kê cho thấy chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 hứng chịu tuần giao dịch gây thất vọng nhất kể từ đầu tháng 1/2016, còn chỉ số Nasdaq chứng kiến tuần giảm điểm chưa từng có kể từ đầu tháng 2/2016.
Trong phiên 29/1, chứng khoán Phố Wall khởi đầu một tuần giao dịch trong không khí ảm đạm, khi các chỉ số rời khỏi các mức cao kỷ lục trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một loạt báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn.
Theo Art Hogan, chiến lược gia hàng đầu về thị trường thuộc Wunderlich Securities, sau khi Phố Wall liên tục chinh phục các đỉnh cao trong tháng đầu tiên của năm 2018, giới đầu tư lo ngại rằng chứng khoán có thể được định giá ở mức cao nhất.
Sang phiên giao dịch ngày 30/1, chứng khoán Mỹ mất đà trước khi diễn ra một loạt các sự kiện quan trọng trong đó có Thông điệp Liên bang của Tổng thống và thông báo của Fed sau cuộc họp chính sách. Phiên này, chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2017, khi nhóm cổ phiếu y tế lao dốc.
Sau khi tăng nhẹ trong giao dịch ngày 31/1, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 1/2, do lo ngại về triển vọng nâng lãi suất của Mỹ, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chạm mức cao nhất trong nhiều năm.
Ông Karl Haeling, Phó Chủ tịch LBBW, cho biết lợi suất trái phiếu vọt lên các mức kỷ lục, với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2014. Điều này gây lo ngại việc tăng lãi suất cho vay sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế và khuyến khích các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi chứng khoán để đầu tư vào trái phiếu.
Đáng chú ý, trong phiên cuối tuần (2/2) chỉ số Dow Jones đã chứng kiến ngày tồi tệ nhất trong hai năm, khi đánh mất gần 666 điểm, mức giảm theo ngày mạnh nhất trong 20 tháng. Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 665,75 điểm (2,54%) xuống 25.520,96 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 59,85 điểm (2,12%) xuống 2.762,13 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 144,92 điểm (1,96%) xuống 7.240,95 điểm.
Các chuyên gia nhận định mối lo ngại về tác động của thị trường lao động đối với lạm phát và sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động bán ra trái phiếu và nhấn chìm Phố Wall trong sắc đỏ.
Các nhà giao dịch cho biết giá chứng khoán đã sụt giảm, sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng Một, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng 200.000, cao hơn dự báo tăng 180.000 đưa ra trước đó.
Cùng tháng, tiền lương trung bình theo giờ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn tám năm. Triển vọng tiền lương gia tăng thúc đẩy lạm phát càng củng cố khả năng Fed sẽ đẩy nhanh tiến trình nâng lãi suất. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 2,84%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2014./.