Chung tay vì khát vọng thịnh vượng

(BĐT) - Sự quy tụ của những tài năng người Việt ở nước ngoài trở về để cùng chia sẻ tri thức, tinh hoa khoa học công nghệ tại Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ khơi nguồn cảm hứng, lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong thời gian tới. Từ đó cũng tạo ra hấp lực để thu hút trí tuệ Việt cùng chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng.
Đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, là cách nhanh, hiệu quả để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vận hành mạnh mẽ.
Đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, là cách nhanh, hiệu quả để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vận hành mạnh mẽ.

Ngày mai, Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam chính thức diễn ra, kéo dài trong 7 ngày (từ ngày 18 - 24/8/2018) với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương.

Chương trình quy tụ 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài, những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics; có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng…

Thực tế có rất nhiều tài năng Việt đã và đang tỏa sáng, thể hiện năng lực tại nhiều quốc gia phát triển. Họ cũng rất mong muốn được trở về xây dựng quê hương, đất nước. Thế nhưng, cơ hội phát triển sự nghiệp khi trở về Tổ quốc chưa rõ ràng, rào cản khác biệt về văn hóa xã hội, sợi dây kết nối để người Việt ở nước ngoài nắm bắt và tham gia đóng góp trí tuệ cho việc xây dựng, tư vấn hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển đất nước cũng chưa thực sự chặt chẽ.

Theo nhiều đánh giá, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt  Nam là một sáng kiến rất thiết thực, rất hữu ích, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nghị quyết, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình sẽ tạo sự liên kết với những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Thông qua các hoạt động của Chương trình, những tài năng người Việt khắp thế giới có dịp gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Từ đó, người Việt trẻ xuất sắc sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng đất nước trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ hiểu thêm về nhu cầu thực tế của đất nước để có những suy nghĩ, quyết định về việc tham gia vào quá trình đổi thay này.

Chính phủ cũng sẽ có cơ hội truyền đi thông điệp về quyết tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá đến những tài năng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng từng nhiều lần chia sẻ rằng, khi những nguồn lực cũ cho tăng trưởng đã tới hạn, thì đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, để nâng cao năng suất lao động là cách nhanh, hiệu quả để thúc đẩy cỗ máy kinh tế vận hành mạnh mẽ hơn, bắt kịp với nhịp phát triển của thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên thế giới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số. Chớp cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cách để Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thành công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu nhận thức cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho đất nước thì phải tiếp cận một cách bài bản, toàn diện, sâu rộng, tận dụng được mọi cơ hội dù là nhỏ nhất. “Việt Nam đã chậm so với thế giới, nếu chúng ta không nhanh thì e ngại chậm mất, xong hết thì thế giới lại sang 5.0. Nếu lần này bỏ lỡ cơ hội thì không biết bao giờ cơ hội đến nữa. Chúng ta đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng này, nhưng tiếp cận như thế nào, bắt đầu từ đâu, cụ thể từng ngành làm gì mới là việc cần nhanh chóng triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Theo Bộ KH&ĐT, 100 người Việt tài năng được lựa chọn tham gia Chương trình lần này là sự khởi đầu, bước tiếp theo là mở rộng mạng lưới, kết nối với tri thức đỉnh cao toàn cầu và các trí thức Việt. Và Chính phủ chắc chắn sẽ tạo “đất dụng võ” cho trí tuệ Việt thể hiện tài năng, áp dụng tri thức đã tích lũy được vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để đưa đất nước đến nhanh hơn mục tiêu thịnh vượng.