Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Hỗ trợ có trọng tâm, khả thi và hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết) vừa được Quốc hội thông qua với quan điểm chỉ đạo là: chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.
Quốc hội quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong năm 2022 và 2023. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong năm 2022 và 2023. Ảnh: Lê Tiên

Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV chiều 11/1, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về Dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, một trong những điểm tiếp thu đáng chú ý là về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT như “công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Có ý kiến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn. UBTVQH cho biết, Dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất.... Đồng thời, Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy, UBTVQH đề xuất Quốc hội không bổ sung nội dung này vào Dự thảo Nghị quyết.

Sau khi nghe nghe báo cáo giải trình nêu trên, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết với đa số đại biểu tán thành. Trong đó, có một số chính sách tài khóa và tiền tệ đáng chú ý.

Đó là, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong năm 2022 và 2023. Trong đó, hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ NSNN để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Về chính sách tiền tệ, Nghị quyết nêu rõ việc nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022 và 2023.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách.

Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.