Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam vừa có quyết định công nhận 124 DN với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua thương hiệu sản phẩm.
Theo ông Hải, năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 7 với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Trước hết là dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 DN thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.
Thứ hai, nhiều DN có thương hiệu có tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia Chương trình như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… Một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như: Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam - Gelex, Tập đoàn BRG… Những DN này đã góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, dịch vụ đạt THQG với những ngành nghề dịch vụ mới như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm…
Một điểm đáng chú ý khác là có một số DN tuy có thương hiệu mạnh trên thị trường, nhưng năm nay lại chưa được công nhận có sản phẩm đạt THQG bởi không đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình. Điều đó đã chứng minh sức hút cũng như sự quan tâm của DN dành cho Chương trình là rất lớn.
Ông Hải nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động này sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng DN đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ trực tiếp để các DN đáp ứng được tiêu chí của Chương trình; tuyên truyền quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước…