Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về Báo cáo thường niên chuyển đổi số 2023 |
Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đầu mối là Cục Phát triển DN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS của các DN tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
"Đến nay, các DN đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của CĐS. Nhiều DN đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn", ông Trung nhấn mạnh.
Theo Lãnh đạo Cục Phát triển DN, để các DN tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, việc kết hợp CĐS với CĐX, hay còn gọi là "chuyển đổi kép", không chỉ bảo đảm mục tiêu kinh doanh của DN mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả DN và xã hội.
Tại Việt Nam, công nghệ số và CĐS được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra các mục tiêu tăng trưởng xanh này.
Thông tin về Báo cáo thường niên CĐS năm 2023, Lãnh đạo Cục Phát triển DN cho biết, báo cáo năm nay cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp DN có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép, một xu hướng đang được các DN trên thế giới thực hiện trong quá trình CĐS.
Tuy vậy, một số ý kiến tại Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn một số khó khăn mấu chốt thúc đẩy CĐS, CĐX như: DN chưa khai thác hiệu quả dữ liệu về CĐS; mức độ áp dụng CĐS trong DN chưa đầy đủ, hầu như mới chỉ áp dụng một phần nào đó; một số DN vẫn khá mơ hồ về chuyển đổi kép; cảm hứng về CĐS hiện đang đi ngang…
Theo đó, Báo cáo được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, bài học kinh nghiệm về CĐS, CĐX giúp DN có những lựa chọn đúng đắn trong quá trình CĐS, CĐX; đồng thời cũng đưa ra những góc nhìn mới để các bộ, ngành và địa phương tiếp cận trong quá trình hỗ trợ.
4 điểm nổi bật của Báo cáo Thường niên CĐS DN 2023:
Thứ nhất, "chuyển đổi kép" - xu hướng CĐS kết hợp CĐX - trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Việt Nam cũng ban hành giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi kép.
Thứ hai, phân tích mức độ sẵn sàng của các DN, chủ yếu là DNNVV năm 2023 với khía cạnh về định hướng chiến lược được ghi nhận có mức độ sẵn sàng CĐS cao nhất, thể hiện việc các DN đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của DN.
Thứ ba, kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm so với năm trước. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy DN ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến CĐS mang tính đột phá và toàn diện này.
Thứ tư, các DN dù có đủ nhận thức, kiến thức về CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết để DN bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.