![]() |
Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tài chính đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và có sự tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Lê Tiên |
Tạo nguồn cho nghiên cứu, chuyển đổi số
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, các DNNN trong lĩnh vực công nghệ số, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng… Viettel đã đang thực hiện mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Nhóm "Big 4" các ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Vietcombank, Agribank… đều triển khai ngân hàng số, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt trên hệ thống dịch vụ ngân hàng số hiện đại…
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, các DNNN cần bố trí ưu tiên nguồn vốn thực hiện chuyển đổi số với tiến độ cụ thể. Triển khai hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghệ nền tảng và những giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData… Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, dịch vụ mới (5G, AI); chú trọng kiên cố, bền vững hạ tầng mạng lưới, phòng chống thiên tai; ưu tiên, mở rộng hạ tầng cho công nghiệp sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn, quan trọng bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
![]() |
Các giải pháp về công nghệ số góp phần giúp cho Petrovietnam bảo đảm tốc độ tăng trưởng về doanh thu khoảng 16,7%/năm. Ảnh minh họa PVEF |
Làm chủ công nghệ để tạo ra tăng trưởng
Từ góc độ DN, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, từ năm 2022, Petrovietnam đã triển khai mạnh mẽ, bài bản về chuyển đổi số. Petrovietnam đã triển khai và đưa vào vận hành các sản phẩm số, đặc biệt là hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực DN ở công ty mẹ và đơn vị thành viên. Các nhà máy thông minh của Petrovietnam giúp nâng công suất bình quân lên trên 120%. Các giải pháp về công nghệ số góp phần giúp Petrovietnam bảo đảm tốc độ tăng trưởng về doanh thu khoảng 16,7%/năm.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin của VNPT đã được số hóa hoàn toàn. Từ năm 2022, VNPT đã xây dựng nền tảng dữ liệu lớn để qua đó quyết định được dữ liệu, kho tri thức nội bộ của DN và nền tảng hợp nhất. Từ đầu năm 2024, VNPT đã triển khai AI, các nhân viên kinh doanh, kỹ thuật của VNPT đều có trợ lý ảo của chính mình để tư vấn, chăm sóc khách hàng.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm. Năm nay, sẽ hoàn thành 100% trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực hoàn toàn. Các trạm 500 kV (35 trạm) cũng đang được chuyển sang chế độ không người trực. Tất cả các nhà máy điện đều có hệ thống tự động hóa điều khiển từ xa, các công ty điện lực tỉnh đều có trung tâm điều khiển xa. Công tác điều độ vận hành đang được hiện đại hóa.
“Điều quan trọng là chúng tôi đang tiến hành làm chủ công nghệ, không phải mua sản phẩm nước ngoài trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa. Việc này đã được thực hiện nhiều năm. Thời gian tới, sẽ chuyển dần sang áp dụng AI trong công nghệ chẩn đoán, phục vụ sửa chữa bảo dưỡng nhà máy điện và lưới điện”, ông Đặng Hoàng An chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD, liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5 - 7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống. Chủ tịch MB kiến nghị, nên ưu tiên cơ hội chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho DNNN, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này... Bên cạnh đó, cần cho phép DNNN có chế độ trả lương như DN tư nhân, từ đó các DNNN sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tài chính đã đạt được một số thành công trong chuyển đổi số và có sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều DNNN hiện có năng suất lao động, hiệu quả sản xuất thấp, chuyển đổi số manh mún. Nhiều tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa đi vào thực chất. Mặt khác, dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, song ý thức xây dựng dữ liệu trong các DN còn thiếu, đặc biệt là khối DNNN.
“Chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. Tăng trưởng cao không thể đến từ mở rộng quy mô mà cơ bản phải đến từ đột phá mô hình kinh doanh. DNNN cần chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang DN số, dựa trên KH&CN. Các DNNN cần nghĩ ra mô hình đột phá và đặt bài toán để DN công nghệ số giải quyết. Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa DNNN có nhu cầu chuyển đổi, nhu cầu giải quyết các bài toán với DN công nghệ số”, ông Long nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển của đất nước và của từng DN. Các DN phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng AI; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của DN…