Bà Clinton (phải) tỏ ra tự tin hơn ông Trump trong cuộc tranh luận lần hai. Ảnh:AFP |
Cuộc tranh luận lần hai, được cho là lần quan trọng nhất, giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử, vừa kết thúc tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, bang Missouri. Theo các quan sát viên và chuyên gia phân tích, bà Hillary Clinton lại một lần nữa giành thắng lợi giòn giã trước tỷ phú Donald Trump trong cuộc đối đầu trực tiếp này.
Kết quả thăm dò dư luận do CNN thực hiện sau cuộc tranh luận cho thấy có 57% số người được hỏi cho rằng bà Clinton đã thắng trong cuộc đối đầu, còn số người cảm thấy bị thuyết phục bởi màn trình diễn của ông Trump là 34%.
Bình luận viên David Magee của Oxford Eagle quả quyết rằng bà Clinton đã đánh bại ông Trump trong cuộc tranh luận theo một cách "rõ ràng và thuyết phục".
Theo Magee, trong suốt cuộc tranh luận, ông Trump đã đưa ra một số lời cáo buộc không có căn cứ thực tế nhắm vào bà Clinton, đôi lúc nói rông dài khiến người điều hành phải ngắt lời, liên tục ngắt lời đối thủ và thậm chí cả người điều hành cuộc tranh luận.
Ông Trump thậm chí còn "vặn sườn" phó tướng Mike Pence của mình, khi đưa ra quan điểm bất đồng với Pence trong chiến lược giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và nội chiến tại Syria.
Trong khi đó, bà Clinton vẫn tỏ ra điềm tĩnh và sẵn sàng trong suốt cuộc tranh luận, trả lời một cách trôi chảy các câu hỏi của khán giả, kể cả những vấn đề hóc búa như vụ bê bối email, quan hệ với Nga hay cách hành xử của Trump. Bà đã gây ấn tượng mạnh với người xem khi cảnh báo rằng ông Trump đã tạo ra hiệu ứng "bắt nạt" trên khắp nước Mỹ và cả ở các trường học.
Quan sát viên này cho rằng khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc tranh luận chính là lúc ông Trump bất ngờ áp sát và xuất hiện lù lù đằng sau trong lúc bà Clinton đang mải mê trả lời câu hỏi của khán giả. Hành động này của ông Trump đã hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ mạng xã hội.
Trên tài khoản Twitter của mình, giáo sư Tom Nichols của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, gọi đây là hành động "một ứng viên tổng thống trực tiếp đe dọa đối thủ trên tivi", và coi đó là "ngưỡng đáy trong lịch sử chính trị hiện đại" của nước Mỹ.
"Ông Trump có rất nhiều vấn đề khi đứng trên sân khấu. Nguyên tắc cơ bản là phải ngồi xuống khi đối thủ của bạn đang nói, chứ không phải áp sát phía sau", giáo sư Alan Schroeder, giảng viên Trường Báo chí, Đại học Đông Bắc ở Boston, nhận xét.
Bà Clinton đã rất khéo léo, linh hoạt trong việc chiếm lĩnh sân khấu, biến sàn đấu thành nói diễn thuyết, chủ động rời khỏi bục và đi qua trước mặt ông Trump để trả lời câu hỏi của mọi người. Theo Magee , hành động đó của bà đã khiến hình ảnh ông Trump trở nên lu mờ đằng sau, đứng im một cách gượng gạo sau ống kính máy quay, buộc ông phải rời khỏi bục và đi đi lại lại trong lúc nghe bà Clinton diễn thuyết.
Điều này chứng tỏ ông Trump đã không dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc tranh luận quan trọng của mình, ít nhất là nắm được các yếu tố cơ bản nhất, chẳng hạn như vị trí của máy quay đặt ở đâu. Ông Trump thường chỉ trích bà Clinton đã dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho tranh luận, nhưng có vẻ như lần này ông đã phải trả giá khi xem thường công tác chuẩn bị.
Kenza Moller, bình luận viên chính trị ở Toronto, Canada, cho rằng bà Clinton có rất nhiều lợi thế trước cuộc tranh luận, đặc biệt là khi ông Trump bị vướng vào bê bối phát ngôn tục tĩu trong đoạn video được quay cách đây hơn 10 năm và mới bị công bố hôm 7/10. Điều đó giúp bà Clinton thêm tự tin và giữ thế tấn công, trong khi ông Trump ngay từ đầu đã phải rút vào thế thủ. Sự tự tin đó đã toát lên một cách rõ ràng ở bà Clinton trong suốt cuộc tranh luận.
Không chỉ về cách thức, ông Trump còn mắc nhiều sai sót trong nội dung tranh luận. Trong cuộc đối đầu lần hai này, ông nhắc lại tuyên bố rằng ông phản đối cuộc chiến tranh Iraq trước khi nó bắt đầu. Thế nhưng dữ liệu thực tế lại không cho thấy như vậy.
Trump không hề đưa ra được một bằng chứng nào chứng tỏ ông công khai phản đối Mỹ tham chiến ở Iraq trước khi cuộc chiến bùng nổ. Trong khi đó, có nhiều đoạn video, băng ghi âm cho thấy tỷ phú thể hiện sự ủng hộ nồng nhiệt đối với chiến dịch quân sự ở quốc gia Trung Đông này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 11/9/2002, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ kế hoạch xâm lược Iraq hay không, Trump trả lời "Có, tôi cho là vậy".
Chỉ sau tháng 3/2003, khi Mỹ đưa quân tiến vào Iraq, ông mới bắt đầu đưa ra những tuyên bố hoài nghi về cuộc xung đột. Tuyên bố công khai đầu tiên của ông phản đối mạnh mẽ cuộc chiến chỉ xuất hiện vào năm 2004.
Bà Clinton, khi đó là thượng nghị sĩ New York, đã bỏ phiếu ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự vào Iraq. Sau này, bà thừa nhận rằng đó là lá phiếu "sai lầm" của mình.
Bà Clinton cũng có những lúc lúng túng khi nói về chính sách trước những lời công kích liên tục của đối thủ. Bà có lúc đưa ra những câu trả lời không rõ ràng về bê bối sử dụng email cá nhân cho việc công và xác nhận việc Wikileaks hack các trích đoạn phát biểu của bà là chính xác.
"Đây rõ ràng không phải cú knock-out mà những người ủng hộ bà Clinton mong chờ", bình luận viên Anthony Zurcher nhận định.
Mặc dù vậy, bà Clinton đã nói đến rất nhiều vấn đề hệ trọng của nước Mỹ hiện nay, chẳng hạn như giáo dục, biến đổi khí hậu và chế độ thuế công bằng. Trong khi đó, ông Trump liên tục tung ra những lời công kích nhắm vào bà, thậm chí còn đe dọa sẽ "bỏ tù" đối thủ về bê bối email nếu ông đắc cử.
"Không nghi ngờ gì về việc ai là người giành chiến thắng tối nay. Ông Donald thì tập trung vào bà Hillary. Còn bà Hillary thì dành mối quan tâm cho người Mỹ", ứng viên phó tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Tim Kaine viết trên Twitter sau khi cuộc tranh luận kết thúc.