Cá nhân Nguyễn Thị Thu Hương, chị/em ruột của Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC) Nguyễn Anh Tuấn thông báo đăng ký mua 150.000 cp VGC. Thời gian giao dịch bắt đầu từ 11/7 đến ngày 11/8. Nếu giao dịch thành công, bà Hương sẽ nâng sở hữu lên 230.000 cp VGC.
Đồng thời, Phó tổng giám đốc tổng công ty Trần Ngọc Anh cũng đăng ký mua vào 200.000 cp từ ngày 10/7 đến 10/8. Trước đó, ông Ngọc Anh sở hữu 310.900 cp VGC.
Như vậy, hai cổ đông nội bộ đăng ký mua tổng cộng 350.000 cp VGC.
Mới đây, nhóm Dragon Capital công bố đã bán tổng cộng 1.270.000 cp Viglacera, giảm nắm giữ từ 10,14% về 9,85%, ứng với số lượng còn lại 44.199.500 cổ phiếu. Trong đó, Vietnam Enterprise Investment Limited bán 360.000 cp, Norges Bank bán 310.000 cp, KB Vietnam Focus Balanced Fund bán 70.000 cp, Vela SPC Ltd bán 430.000 cp.
Ngoài ra, Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Tuấn cho biết bán bất thành 200.000 cp trong khoảng thời gian giao dịch từ 31/5 đến 29/6. Sau giao dịch, ông Tuấn vẫn còn sở hữu 673.000 cp, ứng với tỷ lệ 0,15%.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã thông báo thực hiện bán gần 80,6 triệu cp Viglacera để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 36% trong thời gian từ 27/6 đến 21/7. Theo kế hoạch thì Bộ Xây dựng sẽ bán khớp lệnh trên thị trường với giá bán phải là giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, lãnh đạo Viglacera cho biết ngày 28/6 vừa qua là cơ hội để Bộ Xây dựng thoái vốn nhưng áp lực bán tăng quá mạnh nên đã không thể thực hiện được. Hệ lụy của điều này là tổng công ty không trình việc cơ cấu lại nhân sự tại đại hội. Đồng thời, nếu ngày 21/7 việc chào bán không thành công thì tổng công ty sẽ báo cáo lại và xin gia hạn thêm 60 ngày.
Quý III đặt kế hoạch lãi 231,5 tỷ đồng
Tại cuộc họp giao ban đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III, 6 tháng cuối năm, lãnh đạo VGC cho biết từ đầu năm đến nay, nguồn cung tăng mạnh so với năm 2017, thị trường vật liệu xây dựng gặp khó khăn do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất trong nước và các nguồn hàng nhập khẩu. Dù vậy, nửa đầu năm, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty là gần 500 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch 6 tháng; công ty mẹ là hơn 300 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch đặt ra và đạt 51 % kế hoạch cả năm. Mức lợi nhuận của công ty mẹ chiếm 82% tổng lợi nhuận của tổng công ty, trong đó, đóng góp lớn là lợi nhuận đến từ bất động sản, chiếm 64%.
Quý III, Viglacera đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty đạt 231,5 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm đạt 518,1 tỷ đồng.
Công ty mẹ đặt kế hoạch quý III đạt 120,3 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm đạt 288.5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch này tổng lợi nhuận năm 2018 của công ty mẹ ước đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2017.