Cơ hội cho doanh nghiệp từ chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và nhiều năm tới, tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới. Nhận định này được các chuyên gia kinh tế, DN… nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử vừa diễn ra tại Hà Nội.
Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và nhiều năm tới, tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và nhiều năm tới, tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội mới cho doanh nghiệp

Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong quá trình đó, DN được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Ông Tuấn cho rằng, đây là cơ hội để DN Việt Nam xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chuyển đổi số nhằm tăng năng suất, nâng cao khả năng chống chịu với cú sốc bên ngoài.

Thậm chí, GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cảnh báo, nếu không nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để tiến lên thì chúng ta sẽ tiếp tục bị tụt hậu.

Đánh giá thực tế ứng dụng chuyển đổi số của các DN Việt Nam để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, ông TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát ở 400 DN do Viện thực hiện cho kết quả khá tích cực.

Theo đó, nhận thức của DN đã có sự thay đổi: hơn 50% DN đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số. Đặc biệt, nếu như trước đây, ứng dụng công nghệ số chủ yếu diễn ra ở các DN lớn, thì hiện nay số DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, kỳ vọng của DN trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (gần 71,7% DN) thông qua việc giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh của DN.

Dẫn kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, trong thời gian Covid-19 vừa qua, thống kê với 152.000 DN thì trên 30% DN Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.

Tuy vậy, ông Lương Minh Huân cho hay, quá trình chuyển đổi số của DN còn có “rào cản” như: chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng; các quy định, quy tắc không phù hợp với số hóa...

Minh bạch hóa thị trường thương mại điện tử

Khẳng định chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của DN.

“Để thành công, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm”, ông Huân khuyến nghị.

Tại Diễn đàn, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang tích cực tham vấn hoàn thiện khung pháp lý phát triển kinh tế số và thương mại điện tử ở Việt Nam.

Về thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh cho biết, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều điểm cần sửa, đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới.

Đơn cử, đối tượng phải xin cấp phép, xin đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP là tương đối rộng. Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định này, Bộ Công Thương đề xuất, những website không có giỏ hàng, hoặc mang tính chất giới thiệu thông tin sản phẩm không cần làm các thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quản lý thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; hợp đồng điện tử…

Trong 5 năm tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp làm cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam minh bạch, đi vào chiều sâu, đó là: thanh toán đảm bảo; dịch vụ giao hàng; ứng dụng chứng từ điện tử (hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử); giải quyết tranh chấp trong giao dịch trực tuyến; thống kê tín nhiệm giao dịch...

Tin cùng chuyên mục