Cơ hội và thách thức với tăng trưởng kinh tế 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5% phản ánh kỳ vọng cải thiện hiệu quả nền kinh tế năm tới và có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế và giới chuyên gia chỉ ra những thách thức nền kinh tế phải đổi mặt và cho rằng, các thách thức cần phải được hóa giải từ nội lực mới có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 đạt kế hoạch, hướng đến mốc 8%.
Năm 2025, tăng trưởng GDP sẽ được hỗ trợ nhờ các yếu tố tích cực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2025, tăng trưởng GDP sẽ được hỗ trợ nhờ các yếu tố tích cực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Tại Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch do Trung ương, Quốc hội đề ra.

Để duy trì đà tăng trưởng năm 2025, việc ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa là rất cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo hướng ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Đánh giá về diễn biến kinh tế năm 2025, một số tổ chức nghiên cứu cho rằng, sau năm 2024 chạy đà ấn tượng, Việt Nam sẽ tiếp tục bứt tốc tăng trưởng trên 6,5% trong các năm tới. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, tổ chức này duy trì dự báo tích cực đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và nhấn mạnh động lực đến từ thương mại và đầu tư, tiếp nối những thành công trong năm 2024. ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,6% năm 2025 so với mức dự báo 6,2% đưa ra vào tháng 9/2024. ADB cho biết, dự báo mới dựa trên hoạt động xuất khẩu tăng mạnh mẽ, sự phục hồi nhanh chóng của khu vực sản xuất, chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam, được hỗ trợ bởi sự chuyển hướng chính sách toàn cầu sang nới lỏng tiền tệ và giá hàng hóa toàn cầu ở mức bình ổn.

Về xuất khẩu, mới đây, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2025, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024 trên cơ sở nhận định hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi, các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định tự do thương mại (FTA) đều tăng trưởng cao. Thực tế năm 2024, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 105,5 tỷ USD, tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (12,6%).

Nhóm chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam thì cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5% phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện hiệu quả nền kinh tế năm tới và có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Nhiều khối ngành sản xuất tại Việt Nam đã thoát khỏi khó khăn, đang hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đạt mức hai chữ số, lan toả tích cực đến hầu khắp các lĩnh vực sản xuất, bao gồm cả sản phẩm nông nghiệp. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5% trước đó và tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Nhiều khối ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều khối ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Nhã Chi

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, năm 2024, kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục rõ nét, khả năng đạt mức tăng trưởng 7% là hoàn toàn khả thi. “Bước sang năm 2025, tôi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam sẽ khoảng 6,6 - 6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn với các yếu tố tích cực về tình hình đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng. Chính sách tiền tệ đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với mức tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2024 đạt khoảng 12,5%. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm 1 điểm % từ đầu năm là một thuận lợi, hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi”, ông Lực chia sẻ.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức 2 con số trong giai đoạn tiếp theo là có cơ sở, vì Việt Nam đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh như những năm 2016 - 2019. Bên cạnh động lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và khai thác hiệu quả các FTA, các dự án luật được thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển.

Bên cạnh các đánh giá tích cực, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, kinh tế Việt Nam 2025 phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán MBS chỉ ra những rủi ro từ thị trường bên ngoài, chẳng hạn, rủi ro từ nhu cầu về linh kiện điện tử suy giảm trong ngắn hạn, khả năng tăng thuế quan của Mỹ, lãi suất theo đó có thể phải neo ở mức cao dưới áp lực của đồng USD mạnh hơn... Căng thẳng và xung đột địa chính trị kéo dài và khả năng Mỹ áp chính sách thuế quan rộng hơn có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu và ảnh hưởng tới các đối tác thương mại chính.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, để duy trì đà tăng trưởng năm 2025, việc ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa là rất cần thiết. Mặc dù những rủi ro chính sách của chính quyền mới ở Mỹ còn chưa rõ ràng, nhưng là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng từ những yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu. “Để giảm tác động bất lợi, nền kinh tế cần dựa vào các yếu tố nội lực để cân bằng các động lực tăng trưởng”, ông khuyến nghị.

TS. Hoàng Văn Cường thì cho rằng, để cải thiện hiệu quả tăng trưởng, cần tháo gỡ thành công những điểm nghẽn pháp lý, theo đó, pháp lý chỉ nên mang tính yêu cầu, còn lại cần trao quyền cho các bộ, ngành, địa phương. “Ngoài ra, cần có sự cải cách về tư tưởng và quan điểm xây dựng, thực thi pháp luật theo hướng cơ chế thực thi phải thật sự hiệu quả”, ông Cường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục