Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, chứng khoán Mỹ sụt mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/3), khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/3), khi nhà đầu tư bán tháo những cổ phiếu công nghệ mà mức định giá đã bị đẩy lên cao để chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ sự phục hồi tăng trưởng dựa trên kích cầu và vaccine.

Theo tin từ Reuters, các blue-chip công nghệ Microsoft, Apple và Amazon đồng loạt giảm hơn 2% mỗi cổ phiếu, gây áp lực lớn nhất lên chỉ số S&P 500. Hầu hết trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số này chốt phiên trong sắc đỏ, nhưng hai nhóm tài chính và công nghiệp có thời điểm đạt mức cao kỷ lục nội phiên.

"Ngày hôm nay là đỉnh điểm của xu hướng lớn mà chúng ta đã chứng kiến trong hai tháng qua: việc triển khai vaccine đang diễn ra tốt đẹp và nền kinh tế đang khởi sắc, đẩy lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lãi suất lên cao hơn, gây bất lợi cho những cổ phiếu tăng trưởng", chiến lược gia đầu tư Ross Mayfield của Baird nhận xét.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones trượt 0,39%, còn 31.270,09 điểm. S&P 500 tụt 1,31%, còn 3.819,72 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,7%, còn 12.997,75 điểm.

Với phiên giảm này, Nasdaq về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 và thu hẹp mức tăng từ đầu năm còn chưa đầy 1%.

Một báo cáo công bố ngày 3/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra với tốc độ khiêm tốn trong những tuần đầu của năm nay. Theo Fed, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp lạc quan về triển vọng những tháng sắp tới và nhu cầu trên thị trường nhà đất diễn ra mạnh mẽ, nhưng sự cải thiện của thị trường việc làm khá chậm chạp.

Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid được cho là sẽ giữ vai trò cú huých cho phục hồi kinh tế, nhưng thống kê cho thấy các công ty tư nhân ở Mỹ trong tháng 2 tuyển ít lao động hơn dự báo. Đây là dấu hiệu về tình trạng chật vật của thị trường việc làm.

Một báo cáo khác cho thấy hoạt động trong nganh dịch vụ của Mỹ bất ngờ giảm tốc trong tháng 2 do ảnh hưởng của những cơn bão mùa đông. Trong khi đó, một thước đo về giá mua nguyên vật liệu đầu vào của các công ty ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm rưỡi.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại có dấu hiệu nóng lên trong phiên này, với lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên mức 1,47%, gây sức ép lên những nhóm cổ phiếu có mức định giá đã bị đẩy lên cao như công nghệ. Tuy nhiên, mức lợi suất này vẫn còn thấp so với mức đỉnh của 1 năm là 1,61% thiết lập vào tuần trước khi nhà đầu tư đặt cược vào sự leo thang của lạm phát.

Lãi suất tăng có ảnh hưởng đặc biệt bất lợi đối với cổ phiếu công nghệ với mức tăng lớn, vì nhà đầu tư định giá những cổ phiếu này dựa trên kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai, mà lãi suất cao lại tác động tiêu cực đến lợi nhuận tương lai nhiều hơn so với lợi nhuận trong ngắn hạn.

"Chắc chắn việc lợi suất tăng vượt 1,5% sẽ là một trở ngại cho thị trường chứng khoán. Hầu hết các nhà đầu tư đều đang theo dõi tốc độ tăng của lợi suất", Giám đốc đầu tư Michael Stritch của BMO Wealth Management nhận định.

Trong một diễn biến khác, gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất sẽ không hỗ trợ 1.400 USD cho những người Mỹ có thu nhập cao. Đây là một nhượng bộ với những nghị sỹ Dân chủ thuộc phái ôn hòa ở Thượng viện, trong bối cảnh Thượng viện chuẩn bị tiến hành cuộc bỏ phiếu đối với dự luật.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá trong phiên này nhiều gấp 1,31 lần số phiên tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,95 lần. Có 14 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 14,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục