14,2 triệu cổ phiếu HNG đã rời khỏi “tay” của HAGL trong hơn 2 tháng đầu năm. Ảnh: N.C |
Sau giao dịch, số lượng cổ phần HNG mà HAGL nắm giữ giảm từ mức 548,9 triệu đơn vị (77,51% vốn điều lệ) xuống còn 543,1 triệu đơn vị (76,69% vốn điều lệ).
Đáng chú ý, phương thức giao dịch được cho biết do Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thực hiện bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay. Giao dịch được thực hiện từ 1/3 đến 4/3/2016. Với giao dịch này, ACB đã thu về khoảng trên 43 tỷ đồng.
Theo báo cáo bán niên hợp nhất soát xét của HAGL, công ty này có số dư khoản vay 135 tỷ đồng với ACB (thực chất là do công ty con là HAGL Agrico trực tiếp vay), được thế chấp bằng 19 triệu CP HNG mà HAGL nắm giữ. Khoản vay này có kỳ hạn 10 năm (từ tháng 11/2010), lãi suất thả nổi, dao động từ 10,5-11%/năm.
CP HNG từ khi niêm yết đến nay đã hơn nửa năm, giá CP lao dốc mạnh từ mức 28.000 đồng/CP xuống còn mức xung quanh 9.000 đồng/CP hiện tại. CP HNG giảm giá đặt HAGL trước nguy cơ giải chấp đối với các khoản vay được Công ty thế chấp/đảm bảo bằng CP HNG mà HAGL sở hữu.
Theo báo cáo quản trị bán niên năm 2015, số lượng CP HNG mà HAGL nắm giữ là 563,1 triệu đơn vị (79,52% vốn điều lệ), cao hơn 14,2 triệu đơn vị so với thời điểm trước khi bị ACB giải chấp. Như vậy, trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 2016, đã có 14,2 triệu CP HNG rời khỏi “tay” của HAGL mà không có thông tin liên quan. Theo quy định, mỗi khi tăng/giảm sở hữu tại HAGL Agrico, HAGL bắt buộc phải công bố thông tin.