Có thể sẽ xem xét trách nhiệm hình sự tại 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ

(BĐT) - Mở đầu phiên chất vấn ngày 15/11 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về câu chuyện 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công thương quản lý.
Có thể sẽ xem xét trách nhiệm hình sự tại 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ

Bộc lộ khiếm khuyết trong quản lý nhà nước

Cụ thể, 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ của Bộ Công Thương đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thời gian qua bao gồm: Thứ nhất là dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay đã đội lên mức 8.104 tỉ đồng, hiện tại do việc thực hiện thi công các hạng mục còn dang dở nên dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Thứ hai là Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư là 325 triệu USD, nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn, mức lỗ của dự án trong năm 2014 là 1.085 tỉ đồng, năm 2015 là 1.308 tỉ đồng, chưa kể nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng.

Thứ ba là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 1.493 tỉ đồng và đội vốn lên mức 1.887 tỉ đồng. Dự án đã đi vào hoạt động chỉ trong 2 đợt (36 ngày) với mức lỗ tổng cộng 408,9 tỉ đồng và hiện không còn vốn lưu động để hoạt động.

Thứ tư là Nhà máy đạm Ninh Bình với tổng mức đầu tư ban đầu là 397,7 triệu USD sau đội vốn lên mức 667 triệu USD, tính đến tháng 6.2016 đã lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng và hiện đã ngừng hoạt động.

Cuối cùng là Nhà máy bột giấy Phương Nam với tổng mức đầu tư 1.487 tỉ đồng sau đó đội vốn lên mức 2.286 tỉ đồng và 3.409 tỉ đồng, dự án hiện đã ngừng hoạt động.

Tổng số tiền tiêu tan tại 5 dự án nói trên đã lên tới trên 30.000 tỉ đồng.

Về quá trình xử lý 5 dự án này, ngày 3/11 vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội và thừa nhận những căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến công tác quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó nhấn mạnh qua những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý. Tuy nhiên, bản báo cáo của Bộ trưởng mới chỉ dừng lại ở việc chỉ ra nguyên nhân gây nên tình trạng thua lỗ ở 5 dự án, chưa đề ra phương án xử lý dứt điểm các dự án này.

Không loại trừ có những vi phạm

Chưa bằng lòng với những thông tin được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra ngày 3/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn: “Báo cáo của bộ Công thương cho rằng, có sai phạm trong công tác quản trị của doanh nghiệp (DN) tại các DNNN, có sai phạm trong quản lý điều hành hoạt động đầu tư tại DN của các cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm này, đâu là trách nhiệm của những cơ quan quản trị tại DN khi xây dựng các dự án kém hiệu quả, đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu tư tại DN? Đồng thời, Bộ trưởng có những kiến nghị gì với Quốc hội và Chính phủ trong việc khắc phục bất cập trong quản lý đầu tư tại các DNNN, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như trong thời gian vừa qua?”

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, 5 dự án này được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư từ 2003-2008 kéo dài đến nay trong nhiều lĩnh vực từ sơ sợi phục vụ cho công nghiệp dệt may, đến lĩnh vực đạm phục vụ sản xuất phân bón, lĩnh vực về xăng ethanol và xăng sinh học… Qua nghiên cứu, phân tích thì Bộ Công thương thấy, tất cả 5 dự án này được đầu tư sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài quá lâu so với thời hạn của dự án đầu tư, thời hạn thẩm định và phê duyệt. Cụ thể, xơ sợi Đình Vũ, xăng Ethanol ở Phú Thọ, đạm Ninh Bình không những kéo dài đầu tư, đến nay còn không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, 5 dự án này đều rơi vào thời điểm có những biến động thị trường thế giới, nên kéo dài quá lâu, vượt quá thời hạn dẫn đến thị trường thế giới tác động mạnh vào nội dung cũng như việc thực hiện dự án. Thị trường nguyên nhiên liệu, hàng hóa nói chung của thế giới đã có những biến động khi thực hiện những dự án này như: dầu khí, sản phẩm của dầu thô từ mức hơn 100USD/thùng thậm chí lên tới 147 USD/thùng vào những năm trước năm 2005 sau đó tụt và giữ ở mức thấp còn khoảng 40USD/thùng vào thời điểm hiện nay. “Như vậy thị trường thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả và tính khả thi của dự án, đạm Ninh Bình sản xuất phân bón từ khí hóa than thì không thể cạnh tranh được với các nhà máy đạm sản xuất từ khí, dự án sơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu đã được khấu hao có giá thành rất thấp, sản xuất từ nguồn của sản phẩm dầu mỏ…” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, phân tích cho thấy còn có một số nguyên nhân dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí là cả những vi phạm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đó là do năng lực của chủ đầu tư là người trực tiếp thực hiện quản lý dự án đầu tư. Với tư cách chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt, thẩm định về phương án đầu tư cũng như nội dung cụ thể khác của báo cáo khả thi và quyết định đầu tư kể cả về công nghệ cũng như tổ chức thực hiện đầu tư. Năng lực còn hạn chế của Ban quản lý dự án (BQLDA), với các đối tượng trực tiếp được giao nhiệm vụ quản lý dự án đã được thể hiện trong các dự án. Năng lực của chúng ta trong đàm phán, ký kết, quản lý hợp đồng để thực hiện các dự án này, có nghĩa là liên quan đến năng lực, khả năng thực hiện của các nhà thầu, kể cả nhà thầu nước ngoài.

Chính sự hạn chế trong nguồn nhân lực, điều kiện của chúng ta dẫn đến kéo dài các dự án này, việc thực hiện không được suôn sẻ, đặc biệt trong nhiều dự án là không thực hiện đúng quy định của hợp đồng cũng như các chủ trương đầu tư, các nội dung của dự án đầu tư đã được phe duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, các dự án có nhiều vướng mắc lớn, thậm chí liên quan đến các nhà thầu nước ngoài dòi hỏi có sự can thiệp, can dự của các bộ quản lý, các cơ quan quản lý ở các cấp nhưng những giải pháp đó không mang lại hiệu quả. Do vậy, các dự án này đều có vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn, giả sử các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại không còn đủ để cạnh tranh, thậm chí một số dự án doanh thu không bù được phí.

Xem xét xử lý hình sự nếu cố tình làm sai

Với những phân tích trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành khi tổ chức đánh giá những vấn đề của 5 dự án trên phải đảm bảo khách quan và chủ quan, và căn cứ những quy định chung của pháp luật để làm rõ trách nhiệm cũng như bài học rút ra.

Theo đó, các giải pháp cho các dự án này cần phải được xem xét tổng thể toàn diện, phù hợp với khung khổ pháp lý và nguyên tắc kinh tế thị trường nhưng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, của các DNNN trong các dự án này. Giải pháp dựa trên kinh tế thị trường, phù hợp với cam kết quốc tế.

Ngoài ra, đối với 5 dự án này sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm và khắc phục một cách triệt để thông qua những quy định chung của pháp luật bao gồm từ bán dự án, hoặc là cho thuê, hoặc là tiếp tục có những phối hợp để cổ phần hóa hoặc giao trách nhiệm cho những DN cùng khai thác, hoặc tiếp tục hoàn chỉnh dự án để khai thác, hoặc thậm chí phải tuyên bố phá sản…

Quan điểm của Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần phối hợp, đánh giá toàn diện, báo cáo Chính phủ, xem xét xử lý trách nhiệm và bài học kinh nghiệm rút ra đảm bảo không để tái diễn cũng nhu xảy ra tình trạng tương tự. “Việc tiến hành đánh giá, xem xét 5 dự án này cần được làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo quy định chung, từng giai đoạn khác nhau đều có những khung pháp lý, có sự điều chỉnh, thay đổi. Vì vậy, chúng ta cần phải  đánh giá đúng từng thời điểm, giai đoạn quản lý đó để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả cơ quan quản lý nhà nước, DN, chủ đầu tư, BQLDA, các tổ chức cá nhân.” – Bộ trưởng Bộ Công thương thông tin và khẳng định, sẽ làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, những nguyên nhân có sự vô tình hoặc cố ý. Nếu có việc cố tình làm sai thì cần phải được xem xét xử lý, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.