Cố vấn “diều hâu” của ông Trump bị sa thải, dầu sẽ rớt giá?

“Vụ sa thải này giảm bớt mối lo về khả năng Mỹ tấn công Iran”, một vị chuyên gia nhận xét...
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hồi tháng 4/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hồi tháng 4/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.

Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một nhân vật "diều hâu", làm giảm khả năng căng thẳng Mỹ-Iran leo thang thành xung đột quân sự. Giá dầu vì thế cũng đứng trước áp lực giảm mới, theo giới phân tích.

"Vụ sa thải này giảm bớt mối lo về khả năng Mỹ tấn công Iran", hãng tin CNBC dẫn lời ông John Kiduff, nhà quản lý quỹ thuộc Again Capital. "Mong muốn tấn công Iran của ông Bolton có từ thời Tổng thống George W. Bush. Thị trường dầu đã bị ảnh hưởng bởi chủ trương này của ông ấy".

Thời Tổng thống Bush, ông Bolton giữ vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế.

Năm ngoái, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết vào năm 2015 với 6 cường quốc, đồng thời tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran. Ông Trump nói thỏa thuận này phiến diện và không thực sự kiềm chế được chương trình hạt nhân của Iran. Theo nguồn tin là quan chức Nhà Trắng, ông Bolton đã có ảnh hưởng không nhỏ khiến ông Trump đi đến quyết định rút khỏi thỏa thuận.

Dưới sức ép của lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu của Iran sụt giảm mạnh. Đối mặt với nguồn thu ngoại tệ cạn dần và nền kinh tế suy sụp, Iran thời gian qua đã liên tục có những động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân và dọa sẽ phá bỏ thỏa thuận này nếu các cường quốc châu Âu không đảm bảo lợi ích kinh tế cho Tehran.

Để cứu thỏa thuận, Chính phủ Pháp mới đây đề xuất cung cấp cho Iran một hạn ngạch tín dụng 15 tỷ USD nếu nước này chấp nhận dừng làm giàu uranium và tái cam kết với thỏa thuận hạt nhân. Cũng theo đề xuất của Pháp, Iran sẽ được phép xuất khẩu khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày.

Việc ông Bolton bị sa thải "làm gia tăng khả năng đề xuất của Pháp dành cho Iran sẽ được chấp nhận", bà Helima Croft, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản toàn cầu thuộc RBC, nhận xét. Vị chuyên gia nhấn mạnh khi còn giữ cương vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Bolton đã phản đối mạnh đề xuất mà Pháp đưa ra.

Khi căng thẳng giữa Mỹ với Iran bị đẩy cao, tình hình ở Vùng Vịnh - "giếng dầu" của thế giới - đã "tăng nhiệt" mạnh trong mùa hè năm nay. Các lực lượng thân Iran ở Yemen đã phóng tên lửa và dùng thiết bị bay không người lái tấn công vào các cơ sở dầu lửa ở Saudi Arabia. Iran cũng bắt giữ một tàu chở dầu của Anh ở eo biển Hormuz và bắn hạ một thiết bị bay không người lái của Mỹ.

Các diễn biến căng thẳng này đã góp phần vào việc hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh giá "vàng đen" chịu áp lực giảm từ thương chiến Mỹ-Trung và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Với sự ra đi của ông Bolton, căng thẳng Mỹ-Iran được dự báo có thể dịu đi, dù điều này còn tùy thuộc vào quan điểm của ông Trump và người được chọn thay thế ông Bolton.

"Áp lực giảm giá đối với dầu đang gia tăng bởi có khả năng sẽ diễn ra một cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong tháng này", ông Kiduff nhận xét.

Ông Bolton vốn phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Mỹ với Iran, cho dù ông Trump tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran.

"Nếu một cuộc gặp như vậy diễn ra, giá dầu sẽ chịu áp lực giảm mạnh", ông Cliff Kupchan, chủ tịch Eurasia Group, nhận định.

Giá dầu thô giao sau tại Mỹ có lúc giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba sau khi có tin ông Bolton từ chức. Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau giảm 0,45 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 57,4 USD/thùng.

Xuất khẩu dầu của Iran đã giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ mùa hè 2018, theo dữ liệu của ClipperData.

Bất chấp căng thẳng Mỹ-Iran, giá dầu đã sụt giảm trong những tháng gần đây do mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu vì thương chiến và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Trong một báo cáo ra hom thứ Ba, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng mỹ nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2019 có thể chỉ tăng 900.000 thùng/ngày, mức tăng yếu nhất kể từ 2011.

Tin cùng chuyên mục