Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg. |
Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đang đối mặt khó khăn chồng chất trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn chìm sâu trong khủng hoảng, không thể hấp thụ được công suất dư thừa của các nhà máy thép.
“Nhu cầu của Trung Quốc đã trở thành một nỗi thất vọng lớn đối với các thị trường kim loại”, bà Sabrin Chowdhury, trưởng phân tích hàng hóa cơ bản tại công ty BMI, nhận định với hãng tin CNBC và nhấn mạnh vào sự sụt giảm nhu cầu thép và quặng sắt. “Tình trạng này chủ yếu do lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc còn ảm đạm. Cuộc khủng hoảng bất động sản có thể kéo dài thêm vài năm nữa, và đó chắc chắn không phải là một chỉ báo tốt đối với nhu cầu các kim loại công nghiệp dùng trong xây dựng”.
Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 1 tỷ tấn thép mỗi năm, chiếm hơn một nửa sản lượng thép toàn cầu. Nước này đồng thời cũng là nước tiêu thụ thép và quặng sắt nhiều nhất, và giá hai nguyên liệu này đã giảm mạnh do nguồn cung thép từ Trung Quốc còn lớn trong khi nhu cầu của nước này suy yếu.
Giá thép cây ở Trung Quốc đã giảm 20% từ đầu năm đến nay, còn 3.208 nhân dân tệ (450 USD)/tấn - theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu và thông tin tài chính Wind. Giá quặng sắt - nguyên liệu chính để sản xuất thép - ở Trung Quốc đã giảm hơn 28% từ đầu năm, theo dữ liệu từ FactSet.
Chủ tịch Hu Wangming của công ty thép quốc doanh Trung Quốc Baowu Steel, doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới, gần đây nói rằng ngành công nghiệp thép Trung Quốc đang trải qua “mùa đông” - một giai đoạn điều chỉnh dài hạn.
Bà Matty Zhao, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường kim loại và dấu khí khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Mỹ Bank of America (BofA) nhận định ngành thép Trung Quốc dang mắc kẹt giữa “một vị thế khó và một vị thế khó hơn”. Nhu cầu thép yếu được dự báo sẽ tiếp tục sang năm 2025 do tình trạng “rất yếu” của thị trường bất động sản Trung Quốc, bà Zhao nói với CNBC.
Tại Hội nghị Trung ương 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây, các nhà lãnh đạo nước này không công bố biện pháp kích cầu nào mới. Bởi vậy, nhưng tia hy vọng về việc ngành bất động sản Trung Quốc sớm thoát khỏi khủng hoảng cũng lụi dần.
Trong một báo cáo công bố vào tháng này, ngân hàng Mỹ Citigroup cho biết doanh số bán máy xúc ở Trung Quốc có thể giảm 8% trong tài khóa 2024 so với tài khóa trước. Doanh số máy xúc thường được xem là một chỉ báo sớm về hoạt động xây dựng và rộng hơn là nhu cầu kim loại.
“Biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc đang đối mặt khả năng giảm xuống ngưỡng âm sâu nhất trong năm nay, khiến áp lực giảm giá quặng sắt càng lớn hơn”, chuyên gia Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia phát biểu.
Còn theo chuyên gia Zhao của BofA, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã thua lỗ chồng chất trong 12 tháng qua và phải tìm cách xuất khẩu để có được chút lợi nhuận.
Một số quốc gia đã đưa ra cáo buộc bán phá giá đối với thép Trung Quốc khi các nhà sản xuất thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu lượng thép không thể tiêu thụ trong nước.
Thái Lan mới đây tuyên bố áp thuế chống bán pháp giá đối với thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại thép nhất định từ Trung Quốc trong vòng 5 năm.
“Xuất khẩu thép của Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến triển vọng của hoạt động sản xuất thép tại các quốc gia khác trên thế giới”, báo cáo của Citigroup nhận định.
Lượng thép mà Trung Quốc đã xuất khẩu ròng trong tháng 7 đạt 57,1 triệu tấn, và nếu tốc độ này duy trì trong thời gian còn lại của năm nay, tổng lượng thép xuất khẩu ròng cả năm của Trung Quốc sẽ tăng 17% so với năm ngoái - theo Citigroup. Ngân hàng này cũng cho biết việc xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2023 đã gây suy giảm dư địa tăng trưởng sản lượng thép ở phần còn lại của thế giới.
Hãng thép lớn nhất Chile Compañía Siderúrgica Huachipato gần đây tuyên bố sẽ đóng cửa vô thời hạn mảng thép do “không thể cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc”.
Hãng thép lớn thứ hai thế giới là ArcelorMittal cho biết sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc đã khiến cho các điều kiện trên thị trường thép toàn cầu trở nên “không bền vững”.
“Sản lượng thép của Trung Quốc thừa mứa so với nhu cầu đang dẫn tới mức lợi nhuận thép rất thấp ở trong nước và hoạt động xuất khẩu thép của nước này được đẩy mạnh”, ArcellorMittal nhận định trong báo cáo tài chính quý 2.
Theo chuyên gia Zhao của BofA, việc Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu thép có thể dẫn tới dư thừa nguồn cung thép tại các quốc gia khác, đẩy giá thép ở những nước đó xuống thấp. 5 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia hấp thụ 26% xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2023, tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 9% - theo dữ liệu của BofA.