Con mồi thật sự của tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc

Chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng J-20 không nhằm đối đầu với F-22 hay F-35, mà mục tiêu của nó là máy bay chỉ huy và tiếp dầu của Mỹ và đồng minh.

 Tiêm kích J-20 trình diễn lần đầu tiên

Trung Quốc cuối năm ngoái ra mắt tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20, mẫu máy bay được so sánh với F-22 hay F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng J-20 không phải một chiếc tiêm kích dành cho nhiệm vụ không chiến, tàng hình kém và không có nét nào giống cặp đôi máy bay thế hệ 5 của Mỹ, theo Business Insider.

"J-20 là loại máy bay khác hoàn toàn F-35", Malcolm Davis, chuyên viên phân tích tại Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) cho biết.

Cũng theo ông Davis, J-20 có tốc độ cao, tầm bay xa, nhưng khả năng tàng hình lại thua kém rõ rệt máy bay thế hệ 5 của Mỹ. Tuy  nhiên, có vẻ như Trung Quốc không quá coi trọng vấn đề này, bởi mục đích thật sự của J-20 là đóng vai trò giống tiêm kích đánh chặn và cường kích tầm xa, nhắm vào máy bay chỉ huy và tiếp dầu, thay vì đối đầu trực diện với máy bay tàng hình Mỹ.

"Người Trung Quốc nhận ra rằng họ có thể tấn công các hệ thống hỗ trợ quan trọng như máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) và máy bay tiếp dầu, khiến chúng không thể thực hiện nhiệm vụ. Nếu đẩy phi cơ tiếp dầu ra xa khu vực tác chiến, F-35 và các máy bay khác khó có thể hoạt động hiệu quả vì không đủ tầm bay tới mục tiêu", ông Davis cho biết thêm.

Các loại máy bay cảnh báo sớm là mục tiêu chính của J-20. Ảnh:Không quân Mỹ.

Tướng không quân David Deptula cũng đưa ra đánh giá tương tự về tiêm kích J-20. Về cơ bản J-20 chỉ có tính năng tàng hình ở mặt trước chứ không phải tất cả mọi mặt như F-22, nó cũng không có thiết kế của một tiêm kích mạnh về không chiến. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại nhất là J-20 có khả năng mang các loại vũ khí tầm xa.

Con mồi thực sự mà J-20 săn tìm trên chiến trường là các mục tiêu mềm, không có khả năng phòng vệ. Các biên đội J-20 có thể xuất phát từ căn cứ được bảo vệ cẩn mật trong nội địa, bay một quãng đường dài để phóng tên lửa tầm xa vào máy bay chỉ huy và tiếp dầu của Mỹ rồi nhanh chóng rút lui.

Một chuyên viên của tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin cho rằng Bắc Kinh đã đi sai hướng khi cố tích hợp tính năng tàng hình vào J-20 và các kỹ sư của tập đoàn sản xuất máy bay Thành Đô đã không nắm được khái niệm về thiết kế tàng hình.

Hầu hết giới chuyên gia quân sự đều nhận định những mẫu tiêm kích J-20 xuất hiện gần đây của Trung Quốc vẫn chỉ là phiên bản thử nghiệm, được gắn nhiều cảm biến để nghiên cứu chứ chưa phải phiên bản hoàn chỉnh được biên chế trong không quân.

Tin cùng chuyên mục