Ông Nguyễn Đại Kiên, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Đức Tín
Trên thực tế, có nhiều nhà thầu chào giá thấp nhưng hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Khi báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu được công bố, nhà thầu chào giá thấp thường “viện cớ” có giá dự thầu tiết kiệm lớn cho ngân sách nhà nước để kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá lại hồ sơ dự thầu trên cơ sở cho nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để thay đổi bản chất hồ sơ dự thầu từ “không đạt” thành “đạt”.
Kiến nghị là quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, nhưng việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải tuân thủ nguyên tắc công bằng, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải hướng tới lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mời thầu, sau đó mới xét đến giá.
Nhiều chủ đầu tư rất lúng túng khi bị nhà thầu chào giá thấp gửi văn bản kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, đưa ra các yêu sách không hợp lý và đòi thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, đánh giá lại hồ sơ dự thầu.
Mới đây, đơn vị tư vấn đấu thầu của chúng tôi có đánh giá hồ sơ dự thầu một gói thầu dịch vụ phi tư vấn có yêu cầu rất rõ thời gian hoàn thành dịch vụ tối thiểu là 6 tháng nhưng nhà thầu đề xuất các mốc tiến độ đều nhỏ hơn 6 tháng (20 ngày, 30 ngày, 45 ngày…), không đúng quy định của hồ sơ mời thầu. Đây không phải là gói thầu xây lắp nên đề xuất này của nhà thầu không thể hiểu là rút ngắn tiến độ thực hiện, nhưng nhà thầu cố tình kiến nghị kéo dài, khiến chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chấm thầu phải báo cáo giải trình nhiều lần với các cơ quan chức năng.