Hiện trường ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 29/7 vừa qua. |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phát đi thông tin về kết quả kiểm tra ban đầu về sự việc ngập cục bộ tại lý trình Km 25+419 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xảy ra vào ngày 29/7 vừa qua.
Theo Bộ GTVT, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, bên cạnh những chỉ đạo ban đầu để xử lý sự cố, khẩn trương đưa tuyến vào lưu thông bình thường, Bộ GTVT đã cử đoàn công tác bao gồm các chuyên gia thủy văn có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá chi tiết điều kiện địa hình, thủy văn thượng lưu và hạ lưu khu vực ngập, rà soát hồ sơ thiết kế.
Trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và thực tế rà soát cho thấy, quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, bảo đảm yêu cầu về chất lượng.
Về thiết kế cống tại vị trí bị ngập, đoàn công tác kết luận, đơn vị tư vấn thiết kế đã thực hiện điều tra khảo sát mực nước lũ lịch sử cao nhất vào năm 1992 tại vị trí cống hơn 43 m để tính toán khẩu độ cống. Cống được thiết kế rộng 2,5 m, cao 2,5 m, đáp ứng yêu cầu thoát nước.
Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán, nhưng nước đã dâng đến hơn 45 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử, là điều bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ.
“Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23 m. Đây là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ”, Bộ GTVT nêu. Đồng thời cho biết, trên cơ sở khảo sát, đoàn chuyên gia có đánh giá sơ bộ hiện trạng khu vực bị ngập.
Cụ thể, đoạn tuyến ngập nằm sát sông Phan, phía thượng lưu có đập sông Phan cách vị trí ngập 8,6 km. Các đập nói chung sau khi đưa vào vận hành, dòng chảy phía hạ lưu thường có biến đổi. Quá trình kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan, lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.
“Theo các chuyên gia, đây là tuyến mới, khu vực tuyến đi qua tại thời điểm khảo sát dân cư thưa thớt, việc điều tra số liệu thuỷ văn khó khăn, tư vấn chưa lường hết được việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ. Các chuyên gia cũng đều thống nhất việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh là trách nhiệm của đơn vị tư vấn mặc dù không phải lỗi cố ý”, Bộ GTVT thông tin.
Về giải pháp xử lý trước mắt, các chuyên gia đề xuất cần tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước dềnh tại vị trí cống.
Giải pháp này có chi phí thấp, có thể thực hiện ngay và chủ đầu tư đang chỉ đạo thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2023. Toàn bộ chi phí thực hiện do tư vấn chi trả.
Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định công trình lâu dài, chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đầu ngành để khảo sát, tính toán, từ đó xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án. Từ đó sẽ xem xét, quyết định giải pháp. Trường hợp cần thiết, có thể nâng mặt đường. Ban Quản lý dự án Thăng Long đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung này.
“Bộ luôn quán triệt quan điểm không đánh đổi chất lượng công trình vì bất cứ lý do gì. Bộ coi đây là một bài học kinh nghiệm và đã yêu cầu các chủ đầu tư tổng rà soát lại hồ sơ thiết kế đối với các dự án đang thi công, đặc biệt tại các vị trí có địa chất, thuỷ văn phức tạp. Cần tính toán các điều kiện thủy văn bị tác động bởi các yếu tố biến đổi khí hậu và tác động bởi các hoạt động xây dựng, sản xuất… để kịp thời điều chỉnh. Bộ sẽ xử lý nghiêm các chủ thể liên quan nếu để xảy ra các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng theo đúng hợp đồng đã ký”, Bộ GTVT nêu quan điểm.
Dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài 99km, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam. Điểm cuối tại nút giao cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tuyến chính thuộc dự án được đưa vào phục vụ người dân từ ngày 30/4/2023.