Nguồn: Báo cáo tài chính của Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội; Đơn vị tính: tỷ đồng |
Trúng lớn các gói thầu giao thông trung tâm Hà Nội
Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội (gọi tắt là Công trình giao thông Hà Nội) vừa được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 03 Quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai; các cầu lớn: Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, đường nhánh, đường gom và đường dẫn hai đầu cầu Nhật Tân; đường Võ Chí Công.
Là nhà thầu duy nhất tham dự, Công trình giao thông Hà Nội trúng thầu với giá hơn 689,977 tỷ đồng, thấp hơn 1,5% so với giá gói thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Tại Gói thầu số 03 Quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quận Long Biên; các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn; cầu Đông Trù (hơn 536,346 tỷ đồng), Liên danh Công trình giao thông Hà Nội - Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá hơn 528,169 tỷ đồng. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện trong 36 tháng (từ ngày 1/1/2024 - 31/12/2026), nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách Thành phố.
Theo tìm hiểu, Công trình giao thông Hà Nội là nhà thầu đảm nhiệm các gói thầu quản lý, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ tại các quận, huyện chính của Thủ đô trong nhiều năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này thực hiện một số gói thầu nhỏ về sửa chữa các tuyến đường nội thành Hà Nội. Ngoại trừ năm 2023 có quy mô trúng thầu khiêm tốn (52,2 tỷ đồng), tổng giá trị trúng thầu của Công trình giao thông Hà Nội đạt hơn 400 tỷ đồng trong năm 2022 và hơn 978 tỷ đồng trong năm 2021.
Được biết, trong khi Công trình giao thông Hà Nội đảm nhiệm các gói thầu giao thông tại địa bàn trung tâm Thủ đô, việc sửa chữa, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn quận Hà Đông, các huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc lộ 6 đoạn Km11+400 - Km38+000, đường Hồ Chí Minh đoạn Km409+00 - Km438+00, nhiều năm nay do Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây đảm nhiệm. Còn khu vực các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây do Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng đường bộ Hà Nội thực hiện.
Nguồn thu ổn định
Với nguồn thu phần lớn đến từ các gói thầu bảo trì, quản lý, sửa chữa hệ thống giao thông trên địa bàn Hà Nội, doanh thu hàng năm của Công trình giao thông Hà Nội tương đối đều đặn. Doanh thu bình quân giai đoạn 2018 - 2022 đạt 273,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế bình quân 8,44 tỷ đồng/năm.
Với kết quả kinh doanh trên, Công ty luôn thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt hàng năm cho cổ đông, dao động ở mức 400 - 420 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội tiền thân là Đội sửa chữa cầu đường nội thành, thành lập năm 1966. Tháng 8/2015, Công ty tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán thành công 2,301 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân 16.431 đồng/cổ phần. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 2/2016, với vốn điều lệ 115 tỷ đồng và được giữ nguyên đến hiện tại. Hiện UBND TP. Hà Nội vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 73,85% vốn điều lệ của Công ty.
Dù đã đưa cổ phiếu với mã chứng khoán GH3 lên giao dịch trên sàn UPCoM ngày 4/8/2021 với giá tham chiếu 10.000 đồng, nhưng gần như cổ phiếu này không có giao dịch.
Tổng tài sản Công ty tính đến cuối năm 2022 đạt 278,156 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 57%. Đáng chú ý, Công ty không phát sinh các khoản vay nợ các tổ chức tín dụng trong nhiều năm qua.