Khách Trung Quốc du lịch trái phép tại bãi Xà cừ (Silver Islet) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh:SCMP
Sau khi Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết từ Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan, về vụ kiện Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra, giới phân tích đã cố gắng giải thích động thái này trên góc độ chính sách an ninh và chiến lược khu vực. Tuy nhiên, phần còn thiếu trong các phân tích trên là vai trò ngày càng gia tăng của những công ty nhà nước Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông, theo South China Morning Post.
Ngoài những tập đoàn hoạt động trong ngành công nghiệp quốc phòng, còn nhiều công ty nhà nước Trung Quốc khác cũng đang thu về lợi ích nhờ tranh chấp Biển Đông.
Theo bình luận viên Xoe Gong từ SCMP, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được hưởng lợi là điều dễ hiểu vì nhu cầu vũ khí của nước này tăng lên theo sức nóng trong vấn đề Biển Đông. Thị trường chứng khoán Trung Quốc là nơi những lợi ích này được biểu hiện rõ nét hơn cả.
Những tuần ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, giá và khối lượng giao dịch một số cổ phiếu ngành quốc phòng trên thị trường liên tục tăng vọt. Ví dụ, từ ngày 24/6 đến 12/7, cổ phiếu Công ty Công nghệ Beifang Daohang, một chi nhánh trực thuộc tập đoàn quốc phòng nhà nước China North Industries Group, đã tăng 8,8%. Trong khi đó, giá cổ phiếu Công ty China RACO, chuyên về dịch vụ viễn thông vệ tinh, và Tổng công ty Hàng hải Nhà nước Trung Quốc tăng lần lượt 6,6% và 19,4%.
Du lịch có vẻ là lĩnh vực không có khả năng tăng trưởng trong thời kỳ xảy ra xung đột hay bất ổn an ninh, song thực tế này lại không chính xác với các công ty du lịch Trung Quốc đang mở tour đến Biển Đông.
Tận dụng nguồn lực du lịch
Tàu du lịch biển Star of Northern Bay của Trung Quốc neo đậu trái phép gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh:SCMP
Một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, hai máy bay thuê thuộc các hãng hàng không nhà nước Trung Quốc là China Southern Airlines và Hainan Airlines lần lượt đáp phi pháp xuống đá Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia ở Trung Quốc ngang nhiên nói rằng chính phủ của họ cuối cùng cũng sẽ đưa ra được kế hoạch sử dụng những nguồn lực du lịch trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Năm 2012, Công ty nhà nước Trung Quốc Hainan Strait Shipping, trụ sở ở thành phố Hải Khẩu, đảo Hải Nam, còn giới thiệu dịch vụ du lịch bằng tàu biển Coconut Fragrance Princess đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhất là tại hai đảo Ốc Hoa và Ba Ba.
Ban đầu, dịch vụ du lịch bằng tàu biển này thua lỗ và được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh dần cải thiện sau khi điểm khởi hành ra Hoàng Sa ở cảng Tam Á, Hải Nam, đi vào hoạt động hồi tháng 9/2014 và bãi Xà Cừ được bổ sung vào danh sách các điểm đến.
Giới chuyên gia nhận định những hoạt động du lịch kiểu như vậy có liên quan mật thiết tới chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Các tour du lịch ra Hoàng Sa thường đi kèm các hoạt động như cái gọi là "lễ thượng cờ" và "lễ tuyên thệ trước quốc kỳ".
Trung Quốc dường như tin rằng thúc đẩy các nguồn lực du lịch sẽ giúp Bắc Kinh củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Xue Gong, học giả từ Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá. Đến nay, hơn 10.000 du khách Trung Quốc, được ca ngợi như những người yêu nước, đã viếng thăm trái phép quần đảo Hoàng Sa.
Theo Xue Gong, công chúng Trung Quốc sẽ tiếp tục hoang nghênh những tour du lịch như vậy, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tháng 4/2016, Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc hợp tác với hai công ty nhà nước khác gồm Tập đoàn Dịch vụ Lữ hành Trung Quốc và Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã thành lập một công ty du lịch tàu biển mới. Cosco đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến đảo Đài Loan và những đảo khác ở các nước láng giềng như một phần trong tour khám phá văn hóa dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển.
Tại một cuộc triển lãm của Công ty Tàu du lịch biển Nam Hải Trung Quốc (China Nanhai Cruise), bí thư đảng kiêm giám đốc điều hành Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc Xu Lirong khẳng định các tour du lịch đến Biển Đông là một phần trong kế hoạch phát triển của họ. Xu đồng thời nhấn mạnh kinh doanh dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển là trách nhiệm thuộc về các công ty nhà nước Trung Quốc.
Ngoài việc phát triển một cảng tàu du lịch ở đảo Phượng Hoàng Tam Á, cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa 330 km, Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái còn hợp tác với Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc thành lập Công ty Phát triển Tàu du lịch biển Quốc tế Tam Á với sự hỗ trợ của chính quyền Tam Á.
Tiền đồ của các công ty nhà nước Trung Quốc gắn liền với nhiệm vụ kép là vừa kiếm lợi nhuận vừa hỗ trợ chính quyền hoàn thành các mục tiêu chính trị - xã hội. Nhận định trên càng trở nên chính xác với các công ty nhà nước Trung Quốc đang có những hoạt động liên quan đến Biển Đông, Xue Gong bình luận. Vì chính quyền Trung Quốc xem du lịch ở Biển Đông như một công cụ phục vụ mưu đồ bành trướng nên việc tăng cường sử dụng dân sự tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành một mệnh lệnh bắt buộc đối các công ty nhà nước.
Theo Xue Gong sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty nhà nước đầu tư ở Biển Đông bởi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng sự hiện diện của các công ty nhà nước sẽ giúp nước này củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Song, động thái mở rộng lợi ích của các công ty nhà nước trên Biển Đông cuối cùng sẽ đẩy Trung Quốc vào thế khó khi muốn thoái lui hay làm mềm một số lập trường đối với vấn đề Biển Đông.
Các vũ công biểu diễn trên một tàu du lịch biển Trung Quốc đang trên đường đến thăm trái phép quần đảo Hoàng Sa. Ảnh:SCMP