Li Shenghong – giáo viên dạy nhạc tại một trung tâm thương mại phía bắc Trung Quốc từ lâu đã là khách hàng trung thành của LeEco. Công ty này sản xuất rất nhiều, từ smartphone đến TV. Vì thế, khi LeEco bắt đầu bán sản phẩm đầu tư online (một dạng công cụ huy động vốn cam kết lãi suất cao), Li đã rất nhanh chóng bỏ tiền mua, dù công ty này còn chẳng nói sẽ tiêu tiền vào việc gì.
"Bất kỳ lúc nào có tiền dư từ lương, tôi lại mang đi đầu tư", Li cho biết. Anh đã đổ 7.000 USD vào công ty này.
LeEco là công ty đa ngành của tài phiệt Internet - Jia Yueting. Ban đầu, họ chỉ là một công ty cung cấp video trực tuyến. Nhưng ngày nay, họ có nhiều công ty con, bán smartphone, TV, mua các chương trình thể thao hay bán sản phẩm tài chính.
Để phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh nhanh chóng, LeEco đã tìm đến hệ thống ngân hàng ngầm khổng lồ tại Trung Quốc. Từ đầu năm ngoái, họ đã vay hơn 2,1 tỷ USD, nhờ kênh này.
Một showroom tại trụ sở của LeEco. Ảnh:NYT
|
Các nhà kinh tế học lo ngại các doanh nghiệp Trung Quốc đang vay quá nhiều từ các công cụ ngoài tầm kiểm soát của giới chức. Việc này được ví như quả bom nợ với hệ thống tài chính Trung Quốc. Ngày 24/5, Moody’s còn hạ xếp hạng tín nhiệm nước này, với lý do khối nợ doanh nghiệp ngày một phình to.
Trung Quốc đang rất nỗ lực giải quyết vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình hồi tháng 4 đã yêu cầu các bộ trưởng bình ổn hệ thống tài chính trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng giải quyết khối nợ này cần hành động mạnh tay hơn.
LeEco cho rằng họ chẳng phải mối đe dọa lớn với hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy công ty này cũng cho thấy họ đang dùng quá nhiều cách phi truyền thống để huy động vốn.
LeEco đã vay 215 triệu USD từ Sản phẩm Quản lý Tài sản online. Tại Trung Quốc, những công cụ này khá phổ biến, cam kết trả lãi suất cao hơn bình thường. Tuy nhiên, thông tin về chúng ít khi được công bố rõ ràng.
Li đã mua sản phẩm này của LeEco với cam kết lãi suất 7% một năm. Anh cũng chẳng bận tâm đến việc có lấy lại được tiền hay không. "Tôi không lo lắng lắm về việc tiền đi đâu. Tôi có Le TV, Le phone. Tôi không sợ gì cả", anh nói.
Ông chủ LeEco - Jia Yueting giới thiệu về xe điện LeSEE. Ảnh:Reuters
|
LeEco cũng tận dụng các công ty môi giới chứng khoán. Theo thỏa thuận, các công ty này sẽ cho vay nếu người vay thế chấp bằng cổ phiếu. Những khoản vay này không được ghi vào sổ sách của hệ thống ngân hàng truyền thống. Vì thế, nó rất khó theo dõi. Giá trị của chúng có thể còn giảm nhanh chóng nếu cổ phiếu đi xuống. Mà đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
LeEco còn bán cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi của hệ thống công ty con. Vì những công ty đó chưa niêm yết, hoạt động này cũng ít bị giới chức chứng khoán kiểm soát.
LeEco cho biết những cổ phiếu này được bán cho nhà đầu tư tổ chức hiểu rất rõ rủi ro. Tuy nhiên, số liệu cho thấy chúng thực chất về tay các nhà đầu tư nhỏ. Rất nhiều người bị hấp dẫn bởi vị thế là nhà đầu tư đầu tiên đổ tiền vào đây. Jia còn cam kết sẽ mua lại số cổ phần này với giá hào phóng nếu công ty đó không làm IPO.
Mo Lingmei là một trong gần 400 người mua cổ phần của Le Sports – một công ty con của LeEco chuyên mua bản quyền các giải thể thao. Nghề nghiệp của Mo là bán quần áo online. Cô cho biết đã rút sạch tiền tiết kiệm của gia đình, cộng thêm một khoản tiền lớn nữa của một nhóm bạn để đầu tư vào đây năm ngoái.
"Đó là một quyết định nhanh chóng", cô giải thích, vì Jia "quá nổi tiếng trên TV, trên truyền thông, báo giấy. Tôi chưa bao giờ đầu tư vào cái gì trước đây đâu".
Dù vậy, LeEco vẫn đang gặp khá nhiều rắc rối. Tháng trước, họ đã phải sa thải 325 nhân viên tại Mỹ. Hồi tháng 4, đại diện 37 nhà cung cấp nhỏ còn yêu cầu công ty này hoàn trả 10 triệu USD nợ. Lái xe của Yidao Yongche – dịch vụ đi chung xe của LeEco thì đang biểu tình vì chưa được trả tiền nhiều tuần qua.
LeEco nói rằng họ đang khắc phục các vấn đề này, với 2,2 tỷ USD được một hãng bất động sản bơm vào hồi tháng 1. Tại một cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 5, Jia thừa nhận đang phải sa thải và bán bớt tài sản. Tuy nhiên, ông cho rằng những việc này "sẽ giúp công ty đẩy nhanh phục hồi tại các mảng kinh doanh cốt lõi".
Những lời này đã trấn an được nhiều nhà đầu tư, trong đó có Hu Yenan. Hu đã lập một công ty để quy tụ nhiều người cùng đổ tiền vào LeEco. Công ty của ông đã mua hơn 1 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi của Faraday Future và LeSee – các startup xe điện của LeEco. Hu còn cho biết Jia đã đích thân bảo lãnh khoản nợ này.
"Nếu Warren Buffett đến hỏi anh vay tiền, anh có cho không? Dĩ nhiên là có rồi", người này khẳng định.