CPI giảm, vẫn lo lạm phát năm sau

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm nhẹ so với tháng trước và lạm phát từ đầu năm đến nay ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và các gói kích thích kinh tế có thể được tung ra trong thời gian tới gây khó cho kiểm soát lạm phát trong năm sau.
Xu hướng tăng giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu khác cùng với các kế hoạch hỗ trợ kinh tế quy mô lớn được dự báo sẽ gây áp lực cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022. Ảnh: Tiên Giang
Xu hướng tăng giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu khác cùng với các kế hoạch hỗ trợ kinh tế quy mô lớn được dự báo sẽ gây áp lực cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022. Ảnh: Tiên Giang

Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng 10 giảm. Nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020.

CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, giá xăng dầu tăng 7.600 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 6.340 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 10 tháng tăng 27,23%, làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm. Giá gas trong nước bình quân 10 tháng tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục 10 tháng tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Giá gạo 10 tháng tăng 6,24% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Trong khi đó, CPI chịu lực kéo giảm từ giá các mặt hàng thực phẩm. Theo đó, 10 tháng qua, giá thực phẩm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, các ngành, các cấp đã tích cực thực hiện giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường…

Đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát năm 2021 hoàn toàn trong tầm kiểm soát 4% theo mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố gây quan ngại về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2022, đó là xu hướng tăng giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu khác, cùng với các kế hoạch hỗ trợ kinh tế quy mô lớn.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện vẫn ở mức cao, nhiều ý kiến dự báo có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng vào giữa năm sau. Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như than, xi măng, thép… tiếp tục tăng mạnh.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào như thép, xi măng và nhiều mặt hàng khác tiếp tục đà tăng là lực đẩy đáng ngại với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Do đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính cần tìm cách kiềm giữ giá xăng dầu để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu kinh tế cũng là một yếu tố đáng lo ngại với lạm phát năm sau. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng.

Theo ông Long, phải luôn chú trọng kiểm soát để dòng tiền từ các chương trình hỗ trợ đến đúng địa chỉ, không đẩy lạm phát tăng cao và tệ hơn có thể là bong bóng tài sản như đã từng xảy ra nhiều năm trước.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và ở mức thấp. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Theo đó, công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại của năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu và hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ. Qua đó vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, áp lực lạm phát năm 2022 có thể tăng cao ngay từ đầu năm. Do đó, việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nhiều dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định, CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường thế giới có nhiều bất lợi, khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang.

Việc kiểm soát lạm phát năm 2022 chỉ đạt mục tiêu khi các phương hướng, giải pháp về quản lý, điều hành giá tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả để hạn chế tác động từ diễn biến giá cả thế giới. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá chi tiết, dự báo các yếu tố tác động và đề ra kịch bản lạm phát cho năm 2022 vào cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá cuối năm, từ đó có phương hướng kiểm soát lạm phát cho cả năm 2022.

Tin cùng chuyên mục