Cú đảo chiều chóng mặt trong 6 tuần của giá dầu đã diễn ra thế nào?

Thị trường dầu lửa thế giới đang rơi vào một cú đảo chiều gây sốc ngay cả đối với các nhà giao dịch và chuyên gia phân tích giàu kinh nghiệm...
Trong khi đó, ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga đều đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục hoặc gần kỷ lục.
Trong khi đó, ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga đều đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục hoặc gần kỷ lục.

Thị trường dầu lửa thế giới đang rơi vào một cú đảo chiều gây sốc ngay cả đối với các nhà giao dịch và chuyên gia phân tích giàu kinh nghiệm. Chỉ trong vòng 6 tuần, giá dầu đã sụt gần 23%, từ chỗ đứng ở mức đỉnh của 4 năm tới chỗ trượt vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

Theo hãng tin CNBC, sự sụt giảm này phản ánh một thay đổi căn bản trong triển vọng của giá dầu.

Cách đây 1 tháng, giới giao dịch lo ngại rằng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu giao sau lên mức 100 USD/thùng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nguồn cung dầu được dự báo sẽ vượt nhu cầu vào đầu năm 2019.

Kết quả là, giá dầu sụt hơn 20 USD/thùng kể từ đầu tháng 10. Cách đây 6 tuần, giá dầu Brent còn ở mức gần 87 USD/thùng và giá dầu WTI gần 77 USD/thùng. Giờ đây, giá của hai loại dầu này đều đang đang trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, mất khoảng 23% so với đỉnh.

Tính đến phiên giao dịch ngày 13/11, giá dầu WTI đã có chuỗi kỷ lục 12 phiên giảm liên tiếp. Chốt phiên, giá của loại dầu này còn 55,69 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 16/11/2017.

Dầu bị bán tháo theo chứng khoán

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới đợt sụt giá chóng mặt này của dầu thô nằm ở chính đợt tăng giá dầu gần đây nhất. Khi giá dầu lên đỉnh 4 năm vào đầu tháng trước, nhiều chuyên gia phân tích đã cảnh báo rằng giá dầu tăng quá nhanh và quá mạnh.

Ở thời điểm đó, thị trường đang bị đè nặng bởi mối lo Mỹ chuẩn bị tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Tính đến tháng 9, mối lo trừng phạt đã khiến nguồn cung dầu từ Iran giảm 800.000 thùng/ngày, làm dấy lên những đồn đoán rằng các nước nhập khẩu dầu Iran sẽ khó tìm được nguồn cung bù đắp.

Tăng cao như vậy, giá dầu dễ dàng quay đầu khi thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào một cuộc bán tháo. Chỉ một tuần sau khi giá dầu đạt đỉnh, 2/3 số cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 của chứng khoán Phố Wall rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).

Ngay lập tức, giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi những tài sản có độ rủi ro cao hơn, bao gồm dầu thô.

Nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ dầu

Cùng lúc nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cả cổ phiếu lẫn hàng hóa cơ bản, nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trỗi dậy mạnh mẽ.

Tháng 10, cả OPEC lẫn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều nói rằng tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2019 sẽ thấp hơn dự báo trước đó. Nguyên nhân của việc hạ dự báo là tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi do căng thẳng thương mại, lãi suất tăng và đồng tiền mất giá tại các nền kinh tế mới nổi.

Các nhà dự báo trở nên đặc biệt lo ngại về sự yếu đi của nhu cầu tiêu thụ dầu tại những quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia khi giá dầu lập đỉnh vào tháng 10. "Đối với nhiều nước đang phát triển, giá dầu tăng cao diễn ra song song với đồng nội tệ mất giá so với USD. Bởi vậy mà rủi ro thiệt hại kinh tế càng lớn hơn", IEA nói trong một báo cáo ra tháng 10.

Trong vòng 2 tháng qua, đồng USD đã tăng giá gần 3% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác. Điều này khiến cho dầu - hàng hóa được định giá bằng USD - trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua dầu bằng đồng tiền khác.

Sản lượng dầu tăng mạnh

Trong khi đó, ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga đều đang khai thác dầu với tốc độ kỷ lục hoặc gần kỷ lục. OPEC cũng nâng sản lượng trở lại sau 18 tháng thực hiện chương trình hạn chế khai thác.

Mấy tháng gần đây, sản lượng dầu của Mỹ đều vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Nga cũng đạt mức tương tự, cao nhất từ khi Liên Xô tan rã. Saudi Arabia khai thác 10,6 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 10, gần mức kỷ lục.

Những dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi trong lúc sản lượng khai thác dầu tăng khiến thị trường tin rằng nguồn cung dầu sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ của thế giới vào đầu năm tới.

Biện pháp miễn trừ của Mỹ

Ngoài ra, quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục được nhập dầu Iran trong vòng 6 tháng mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm.

"Động thái của Mỹ đã gây đảo lộn những tính toán" của OPEC và đối tác của khối này - theo nhận định của ông John Kilduff, nhà sáng lập quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital. OPEC đang khai thác thêm dầu để phòng ngừa sự suy giảm nguồn cung từ Iran, nhưng biện pháp miễn trừ của Mỹ đã khiến khối này bị "hớ".

"Trong mấy năm gần đây, OPEC đã rất cố gắng để cân bằng thị trường dầu. Lần này, họ gần như bị mắc lừa và rơi vào một tình huống thừa cung", ông Kilduff nói với CNBC.

Ở thời điểm hiện tại, OPEC lại đang tính giảm sản lượng khai thác dầu để vực dậy giá dầu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đầu tuần này đã lên tiếng cảnh báo OPEC nên giữ nguyên sản lượng, trong khi đối tác chính của OPEC là Nga cũng tỏ ra không muốn khai thác ít dầu đi.

Tin cùng chuyên mục