“Cửa sáng” cho ngành vật liệu xây dựng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch Covid-19 và ghi nhận suy giảm sản lượng tiêu thụ và giá bán. Tuy nhiên, một vài sản phẩm như thép xây dựng, tôn mạ… đã có dấu hiệu phục hồi từ nửa cuối năm 2020. Lực cầu đến từ các dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo cú hích cho hoạt động kinh doanh của ngành VLXD trong thời gian tới.
Trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn. Ảnh: Nhã Chi
Trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn. Ảnh: Nhã Chi

Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2020, trước những biến động bất ngờ từ đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có những biện pháp rất quyết liệt nhằm đẩy mạnh đầu tư công. Nguồn đầu tư này được coi là một trong những động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ qua, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với năm 2019. Đầu tư công sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho phục hồi kinh tế trong các năm tiếp theo.

Báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2,75 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1,38 triệu tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài là 300 nghìn tỷ đồng và vốn trong nước khoảng 1.080 nghìn tỷ đồng. Theo đó, đầu tư sẽ có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ…

Trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ngành VLXD sẽ được hưởng lợi lớn. Sau 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai vào cuối tháng 9/2020, dự án trọng điểm xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công vào ngày 5/1/2021, Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công sáng 4/1/2021. Dự kiến tháng 5/2021, 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được khởi công…

Đánh giá về ngành VLXD, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, ngành này sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng năm 2021. Dự án đáng chú ý trong năm là cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ước tính 40% vốn đầu tư công cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được giải ngân trong năm 2021, 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.

Theo tính toán của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, trong năm 2021, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cần huy động khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng nhựa đường, 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này vào năm 2023, ước tính tổng chi phí dành cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng lần lượt khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng, 14,8 nghìn tỷ đồng và 8,9 nghìn tỷ đồng.

Một động lực khác cho ngành VLXD, theo đánh giá của PSI, là từ xuất khẩu. Xuất khẩu thép và xi măng tăng trưởng mạnh trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu thép và xi măng 9 tháng năm 2020 tăng lần lượt 27,3% và 54,4% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhu cầu thép và xi măng của Trung Quốc tăng đáng kể do quốc gia này đã phê duyệt và bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng từ quý II/2020.

Tin cùng chuyên mục