Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP) |
Nước Mỹ đứng trước những thay đổi lớn
Sau khi ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 này, đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát không chỉ Nhà Trắng, mà còn cả Thượng viện, Hạ viện, 33 vị trí thống đốc bang và cả hai viện trong 32 cơ quan lập pháp bang.
Mạng tin Stratfor cho rằng người Mỹ đã chán ngán với những cuộc chiến tranh triền miên và trong năm nay sẽ thu mình “gây dựng lại lực lượng”. Trong khi đó, theo Telegraph, cuộc cách mạng của ông Trump sẽ “sắp xếp lại” nước Mỹ theo hướng tốt hơn trong năm 2017.
Có lẽ những nhận định này có cơ sở khi ông Trump thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” của đảng Cộng hòa; hơn một lần yêu cầu các đồng minh san sẻ gánh nặng an ninh; và có những động thái kiềm chế ở châu Á và Trung Đông.
Trong khi đó, theo National Interest, trước mắt năm 2017 có cả núi việc đối ngoại chờ tân Tổng thống Mỹ: thách thức từ một nước Nga đang đà giành lại vị thế, một châu Âu bất ổn về kinh tế-chính trị-xã hội; một Trung Quốc đang thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương…
Quan hệ Mỹ - Nga ôn hòa, Mỹ - Trung tiềm ẩn nguy cơ
Mối quan hệ Mỹ - Trung, Nga - Mỹ tiếp tục làm tâm điểm chú ý trong năm 2017. (Ảnh minh họa: Getty)
National Interest cho rằng dù thu mình, nhưng về đối ngoại, Mỹ sẽ vẫn có những bước đi chọn lọc mang tính sách lược: kiềm chế Trung Quốc ở châu Á trong khi cũng nỗ lực kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.
Nga và Trung Quốc đang có những động thái tăng cường quan hệ. Trong bối cảnh Mỹ còn loay hoay với quá trình hình thành chính sách của chính quyền mới và châu Âu phải đương đầu với những thách thức về thể chế, Nga có thể không để lỡ cơ hội: Moscow sẽ có thể buộc Mỹ và EU phải điều chỉnh hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt, trong khi nhấn bàn đạp củng cố khả năng quốc phòng và tạo ảnh hưởng từ không gian mạng cho đến chảo lửa Trung Đông.
National Interest nhận định, trong năm nay quan hệ Mỹ - Nga có thể ôn hòa, nhưng quan hệ Mỹ - Trung có thể bùng phát xung đột khi vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông - vốn là tâm điểm của căng thẳng, được cộng hưởng với xung đột liên quan đến thương mại và các vấn đề khác, trong đó có vấn đề Đài Loan.
Châu Á: Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Trung Quốc sẽ tiếp tục có những động thái thể hiện sức mạnh ở châu Á, còn Nhật Bản sẽ nỗ lực lấy lại vị thế của mình tại khu vực, trang Stratfor nhận định về điểm đáng chú ý ở châu Á năm nay.
Nhật Bản đã tăng cường can dự vào Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ. Năm nay, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được dự đoán sẽ tăng cường hiện diện về ngoại giao và kinh tế tại Đông Nam Á, trong khi rộng hợp tác an ninh với Mỹ để đảm bảo cam kết của Mỹ tại khu vực.
Đại hội Đảng thứ 19 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11/2017. (Ảnh minh họa: Reuters)
Còn tại Trung Quốc, tháng 11 năm nay sẽ diễn ra Đại hội Đảng thứ 19. Theo Straffor, ngoài những động thái trong nước nhằm củng cố quyền lực, lãnh đạo nước này sẽ cứng rắn đối phó với những thách thức từ phía chính quyền của ông Donald Trump, trong đó có an ninh và mậu dịch.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc được dự đoán sẽ vừa tăng cường quan hệ với một số nước có tuyên bố chủ quyền (như Philippines), vừa gây áp lực kinh tế với những nước thẳng thắn phản đối. Thách thức với Trung Quốc là thái độ “không biết đâu mà lường” của tân Tổng thống Mỹ và việc Australia và Nhật Bản can dự vào các vấn đề an ninh hàng hải của khu vực.
Trang mạng Globalresearch nhận định năm nay, châu Á có thể vẫn mất ổn định do những tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia liên quan đến việc khai thác sử dụng tài nguyên biển, nhưng khả năng dẫn đến xung đột là không lớn.
Châu Âu: Những thay đổi lớn từ làn sóng dân túy
(Ảnh minh họa: EPA)
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa, có thể tạo hiệu ứng lây lan trong khối. Kinh tế đình trệ, làn sóng chống người nhập cư và chủ nghĩa khủng bố tiếp tục làm “sôi sục” chủ nghĩa hoài nghi đối với tiến trình xây dựng Liên minh châu Âu (EU).
Các hãng tin như Reuters, Washington Post, AFP nhận định rằng khi tỷ phú Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, dù chính sách của ông theo đường hướng nào cũng sẽ tác động mạnh tới châu Âu, cả về an ninh, chính trị, kinh tế.
Còn theo Le Monde và AFP, năm nay, các cử tri ở Hà Lan, Pháp và Đức - có thể cả Italy và Anh - sẽ tiến hành bầu cử. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và các thế lực “hoài nghi châu Âu” lại đang nổi lên, không loại trừ khả năng các đảng dân túy chiếm ưu thế hoặc lên cầm quyền. Khi đó, nhiều khả năng sẽ khoét sâu những chia rẽ trong châu lục và dẫn đến những thay đổi bất ngờ ở châu Âu.