Củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại trong năm 2020 mà có thể kéo dài tới quá nửa giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Thị trường nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi là cơ sở cho phục
hồi ngành chế biến, chế tạo và xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi là cơ sở cho phục hồi ngành chế biến, chế tạo và xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, thay vì theo đuổi những mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, nên chú trọng củng cố những nền tảng cho tăng trưởng dài hạn sau khi đại dịch đi qua.

Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam là 1,81%, tuy là con số thấp kỷ lục nhiều năm nhưng vẫn thuộc kịch bản lạc quan so với kinh tế thế giới. Việc giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong 6 tháng đầu năm đã tạo nền tảng cơ bản để kinh tế có thể hồi phục ở một mức độ nhất định trong 6 tháng còn lại của năm 2020.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tại Việt Nam thì vấn đề ổn định vĩ mô và phục hồi tăng trưởng lại được đặt ra với câu hỏi “cái nào quan trọng hơn?”. Ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, mục tiêu phục hồi tăng trưởng đang có những ưu tiên hơn. Bởi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện xuyên suốt trong thời gian dài với những chính sách tương đối hiệu quả, có thể cho phép mở rộng chính sách, kích thích kinh tế mà không ảnh hưởng quá xấu tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Do đó, 3 động lực tăng trưởng của 6 tháng cuối năm được ông Đặng Đức Anh đề xuất tập trung thực hiện là: mở rộng thị trường, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư. Theo đó, thị trường nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi là cơ sở cho phục hồi ngành chế biến, chế tạo và xuất khẩu. Kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát đang trong xu thế giảm; tăng trưởng tín dụng ở mức thấp là cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa việc thực hiện các giải pháp giúp phục hồi kinh tế đã được đưa ra thời gian qua. Đơn cử như cần đẩy nhanh thực hiện 3 gói hỗ trợ hiện đều được cho là triển khai chậm. Ngoài ra, chính sách cho phép giãn, hoãn thuế trong thời gian 5 tháng, nhưng đề nghị của doanh nghiệp là hết năm 2020 (tức là 9 tháng), nếu Chính phủ cho phép thì cần phải khẩn trương báo cáo Quốc hội để thực hiện sớm. “Cách thức thực hiện phải cực kỳ quyết liệt và chấp nhận một số vấn đề, kể cả thâm hụt ngân sách năm nay có thể sẽ tăng lên 5 - 5,4% GDP nhưng vẫn phải chấp nhận để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế…”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Phục hồi kinh tế trong trung và dài hạn

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các chính sách cho phục hồi kinh tế cần có cái nhìn trung và dài hạn hơn là chỉ trong 6 tháng tới. Bởi những tác động của dịch Covid-19 có thể còn kéo dài tới vài năm nữa. Do đó, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới không dễ phục hồi về mức tăng trưởng của năm 2019, bởi tổng cầu của thế giới ở mức thấp và nền kinh tế mở như Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều tác động trong 3 - 4 năm tới.

Với phân tích đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải tạo áp lực mạnh mẽ hơn cho cải cách trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang rất cần sự thay đổi để bứt phá mạnh mẽ, vượt qua đại dịch.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao, cũng dự báo Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng ít nhất tới năm 2021. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam trong giai đoạn nhiễu động, biến động khó lường này là phải giữ vững nền tảng kinh tế, ổn định về vĩ mô. Trong đó, lưu ý và theo dõi sát tính thanh khoản của hệ thống tài chính, ngân hàng để nâng cao sức chống chịu của hệ thống tài chính, tiền tệ của nền kinh tế; vấn đề lao động và việc làm giúp ổn định chính trị, xã hội; và không thực hiện các giải pháp phục hồi tăng trưởng mà để lại những hệ lụy kéo dài sau này.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể trong bối cảnh đặc thù sẽ phải chấp nhận có một số chỉ tiêu không đạt. Phải hy sinh kết quả tăng trưởng trong ngắn hạn để có được những nền tảng vững chắc trong dài hạn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính thuộc Học viện Tài chính đặt vấn đề, trong trường hợp dịch Covid-19 còn tiếp diễn trong thời gian dài thì Chính phủ có chấp nhận đánh đổi, đóng cửa như hiện nay hoặc thận trọng mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam? Tăng trưởng các năm tiếp theo sẽ ảnh hưởng rất lớn từ các quyết định này của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục