Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhã Chi |
Đó là nhận định của TS. Đinh Tuấn Minh, Thành viên Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khi đề cập tới những vấn đề nổi cộm trong bức tranh kinh tế vĩ mô quý I. Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế thấp một phần là do nhập siêu cao và đầu tư chậm lại.
Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội giảm tốc ở cả 3 khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Cầu tiêu dùng nội địa cũng tương đối yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm chỉ tăng 9,2%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và là mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Ông Minh cho rằng, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2017, thách thức chủ yếu của nền kinh tế sẽ là làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân. Đồng thời, do cầu tiêu dùng trong nước yếu, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, những biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong mấy năm trở lại đây đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, theo ông Minh, trong giai đoạn 2010 - 2016, xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016.
Để lý giải xu hướng xuất khẩu tăng chậm dần trong các năm trở lại đây, Nhóm nghiên cứu thị trường của Market Intello do ông Đinh Tuấn Minh đứng đầu đã lập một báo cáo chuyên đề phân tích kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2016.
Từ báo cáo phân tích này đã tìm ra một số nguyên nhân cơ bản khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm. Trước hết, đó là vì xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tập trung vào thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... Việc tập trung chủ yếu vào một số thị trường như vậy có mức độ rủi ro cao. Việc khai thác thêm nữa cũng là rất khó khăn.
“Trong một thời gian dài, chúng ta không có cái nhìn dài hạn trong việc đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt là việc khai thác thị trường khu vực ASEAN, trong khi đây là thị trường có tiềm năng rất lớn, có ưu thế về địa lý, tiết kiệm chi phí vận chuyển”, ông Minh đánh giá.
Do vậy, bên cạnh việc tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mỹ và châu Âu thì Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN…
Bên cạnh đó cũng cần đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng. Việc tìm ra mặt hàng mới để thúc đẩy xúc tiến thương mại là rất quan trọng.
“Nhìn vào số liệu mới đây cho thấy, xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất nhanh, vượt nhiều ngành khác. Đây là ngành có triển vọng tốt. Nếu chúng ta có những chính sách đầu tư tốt, chuyển đổi cây trồng, đầu tư công nghệ cao... vào lĩnh vực này thì sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới”, ông Minh nêu quan điểm.