Ảnh Internet |
Yếu thế
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc điều hành Gia Hân cho biết, hiện nay Công ty cùng với 4 doanh nghiệp khác đồng cảnh ngộ chuẩn bị hồ sơ để đưa tranh chấp này lên tòa án. Ông Ngọc cho biết, Global Home đang còn nợ Gia Hân tổng cộng khoảng 20 tỷ đồng và chây ì không trả, đẩy Công ty vào tình cảnh khốn đốn, đe dọa đời sống của hàng trăm lao động.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện Global Home cho biết, tranh chấp giữa 2 công ty đã diễn ra một thời gian và Gia Hân không chịu hợp tác, không chịu trách nhiệm về những lô hàng kém chất lượng mà công ty này bán cho Global Home. Tuy nhiên, phía Gia Hân khẳng định, Global Home đã kiểm tra và chứng nhận chất lượng hàng hóa trước khi nhận hàng.
Đến nay, do tính bảo mật, nội dung đầy đủ về hợp đồng giữa 2 bên vẫn chưa được công bố. Tuy vậy, có thể thấy rằng phía Gia Hân, một doanh nghiệp nhỏ, tỏ ra khá lép vế và chịu nhiều thiệt thòi trong thương vụ làm ăn với Global Home. Ông Ngọc thừa nhận, phía Gia Hân ít nhiều cảm tính khi ký kết hợp đồng, như từ trước đến nay vẫn vậy. Chỉ đến khi gặp Global Home, mọi chuyện mới diễn biến xấu ngoài dự kiến. Để kiếm một hợp đồng hàng trăm nghìn “đô” với một doanh nghiệp nhỏ như Gia Hân là không dễ dàng. Sơ hở, chịu một chút thiệt thòi, vì vậy là điều không quá khó hiểu.
Một điều khoản hợp đồng được cả hai bên hé lộ, Hồng Kông là nơi được lựa chọn để giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa hai bên. Gia Hân, một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam và một công ty đa quốc gia như Global Home, rõ ràng một cuộc chiến không cân sức.
TS. Lê Minh Phiếu, Giám đốc Công ty Luật LMP cho rằng, mặc dù điều khoản giải quyết tranh chấp là bất lợi, phía doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cách “hóa giải” nếu có cơ sở chứng minh thỏa thuận xử lý tranh chấp tại nước ngoài là vô hiệu. Ví dụ, có cơ sở cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Hiện nay, với chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, khả năng hình sự hóa một vụ án là không cao, ông Phiếu nhận định.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Với Global Home, khi công ty này có trụ sở tại Việt Nam, việc thi hành án đối với doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện tại Việt Nam, đó là thuận lợi trước mắt đối với Gia Hân.
“Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đối với vụ án có nhiều người cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân/tổ chức thì tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án. Tuy nhiên, điều này là không bắt buộc” - ông Phiếu cho biết.
Về việc Gia Hân kéo băng rôn đòi nợ Global Home cũng như cá nhân ông Otto cùng ca sĩ Thu Minh, tùy nội dung vụ việc, cách thức thực hiện, nội dung của băng rôn, trong một số trường hợp có thể vi phạm pháp luật về quyền nhân thân của con nợ - quy định tại Bộ luật Dân sự.
Giám đốc điều hành Gia Hân cho biết, băng rôn đòi nợ là do hàng trăm công nhân thực hiện vì bức xúc khi vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của họ. Vấn đề này, bản thân Công ty không có quyền ngăn cản, ông Nguyễn Hữu Ngọc nhấn mạnh.
Vụ việc đang chờ quyết định chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng một lần nữa, đây là lời nhắc nhở các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thận trọng trong quá trình giao thương với nước ngoài.