Cựu Chủ tịch Starbucks, ông Howard Schultz. |
Cựu Chủ tịch tập đoàn bán lẻ cà phê Starbucks, ông Howard Schultz, tuyên bố đang suy nghĩ nghiêm túc về khả năng ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 với tư cách một ứng cử viên độc lập theo đường lối trung dung.
Tuyên bố này của ông Schultz đã vấp phải sự phản đối mạnh của Đảng Dân chủ vì lo ngại rằng sự tham gia của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ tạo điều kiện cho đương kim Tổng thống Donald Trump, một người Cộng hòa, tái đắc cử.
Vị tỷ phú có công đưa Starbucks trở thành một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới công bố ý định tranh cử Tổng thống trong một chương trình trên kênh CBS phát sóng ngày Chủ nhật. Ông nói rằng người Mỹ đã chán ngán với hệ thống hiện tại và đang tìm kiếm một lựa chọn tốt hơn.
"Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mong manh", ông Schultz nói. "Không chỉ bởi Tổng thống hiện nay không xứng làm Tổng thống, mà còn bởi cả hai đảng đều không làm được những gì cần thiết cho người dân, thay vào đó mỗi ngày đều chỉ tìm cách trả đũa chính trị lẫn nhau".
Theo hãng tin Bloomberg, từ nhiều năm qua, dư luận Mỹ đã có nhiều đồn đoán về tham vọng chính trị của ông Schultz, 65 tuổi. Tin đồn rằng ông Schultz sẽ chạy đua vào Nhà Trắng rộ lên vào tháng 6 năm ngoái, khi ông rời cương vị Chủ tịch Starbucks và tuyên bố phụng sự công chúng sẽ là lựa chọn của ông trong thời gian tới.
Số liệu của Bloomberg cho thấy, ông Schultz hiện là chủ nhân của khối tài sản ròng 3,5 tỷ USD. Khối tài sản lớn này được xem là một lợi thế nếu ông ra tranh cử. Trao đổi với CBS, ông Schultz nói ông sẵn sàng chi 500 triệu USD để trúng cử.
Trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chưa một ứng cử viên độc lập nào giành chiến thắng, một phần bởi hệ thống bầu cử Mỹ nghiêng nhiều về phía hai đảng lớn của nước này là Dân chủ và Cộng hòa, cả về giành phiếu bầu ở 50 tiểu bang và huy động ngân sách tranh cử.
Ứng cử viên độc lập gây ấn tượng gần đây nhất trong bầu cử Tổng thống Mỹ là tỷ phú H. Ross Perot, người tranh cử vào năm 1992. Ông Perot giành khoảng 19% phiếu phổ thông, nhưng không giành phiếu đại cử tri nào, trong cuộc bầu cử mà ứng cử viên Dân chủ Bill Clinton chiến thắng trước Tổng thống chuẩn bị mãn nhiệm George H. W. Bush của Đảng Cộng hòa.
Trong thời gian lãnh đạo Starbucks, ông Schultz đã có nhiều chính sách được lòng nhân viên như tăng trợ cấp và bảo hiểm. Cùng với đó, ông tham gia vào nhiều cuộc tranh luận xã hội và chính trị trên toàn cầu trong nhiều năm qua.
Năm 2011, ông cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tham gia một chiến dịch tẩy chay tài trợ chính trị cho tới khi Quốc hội Mỹ tìm ra một giải pháp cho vấn đề nợ quốc gia ngày càng lớn. Đầu 2017, ông đưa ra lời hứa Starbucks sẽ tuyển dụng 10.000 nhân viên là người tị nạn trong vòng 5 năm, như một sự phản đối nhằm vào chính sách hạn chế người tị nạn của chính quyề ông Trump.