Đà Nẵng sắp đón 150.000 tỷ đồng vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Loạt dự án lớn tại TP. Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng được lãnh đạo Thành phố “bật mí” mới đây đang là tâm điểm chú ý của dư luận và nhà đầu tư. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch cùng với sự hiện diện của Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính khu vực, đầu tư vào Đà Nẵng sẽ thực sự bùng nổ trong thời gian tới.
Vị trí đầu tư Dự án Vinpearl Làng Vân tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh
Vị trí đầu tư Dự án Vinpearl Làng Vân tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh

Từ trên đèo Hải Vân nhìn xuống TP. Đà Nẵng, có một vịnh biển biểu tượng vầng trăng khuyết. Tại vị trí này là Dự án Vinpearl Làng Vân do Tập đoàn Vingroup đầu tư với tổng vốn gần 44.000 tỷ đồng. “Siêu” dự án khu đô thị nghỉ dưỡng này vừa được UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích giảm từ 1.067 ha còn hơn 512 ha. Số diện tích giảm so với quy hoạch ban đầu thuộc đất rừng tự nhiên 63,3 ha; 6,4 ha bãi cát tự nhiên; 6,6 ha đất chồng lấn với cảng Liên Chiểu; 2,7 ha đất thăm dò, khai quật khảo cổ và 476,7 ha mặt nước biển. Dù vậy, đây vẫn được xem là dự án nghỉ dưỡng có quy mô lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay với tính chất là khu phức hợp du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, khu đô thị thông minh, nhà ở và dịch vụ thương mại với quy mô dân số khoảng 19.000 người.

Theo UBND quận Liên Chiểu, tiến độ thực hiện Dự án là 5 năm kể từ ngày được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm thứ nhất đến năm thứ hai hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; giai đoạn 2 từ năm thứ hai đến hết năm thứ năm (2029) thực hiện đầu tư, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Dự án tiếp theo được lãnh đạo TP. Đà Nẵng thông tin là Tổ hợp công viên Châu Á với tổng vốn đầu tư trên 43.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group. Đến thời điểm này, dù diện tích quy hoạch, các hạng mục đầu tư, phân kỳ đầu tư chưa được Chủ đầu tư công bố, nhưng theo quy hoạch phân khu mà TP. Đà Nẵng đã phê duyệt thì dự án này sẽ có hạt nhân lan tỏa là Asia Park - Công viên Châu Á rộng 868.649 m2 đã được Sun Group đầu tư tại số 1 đường Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Với dự án mới này, quy mô sẽ mở rộng và kéo dài hai bên Đông - Tây sông Hàn ra hướng cửa biển Thuận Phước.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá: “Việc mở rộng đầu tư thành tổ hợp công viên với vốn đầu tư lớn cho thấy chiến lược của doanh nghiệp muốn phát triển mạnh thương hiệu du lịch của Đà Nẵng, vốn là lĩnh vực then chốt của thành phố này từ trước đến nay”.

Bên cạnh hai dự án lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nêu trên, lãnh đạo TP. Đà Nẵng còn thông tin về một số dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông và khu vực bán đảo Sơn Trà với vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai trong năm 2025.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn FPT dự kiến đầu tư số vốn trên 5.000 tỷ đồng. FPT đã hiện diện tại Đà Nẵng 20 năm, đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung FPT Đà Nẵng. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT miền Trung cho biết, hiện có hơn 5.700 người làm việc tại Khu công nghệ thông tin tập trung FPT Đà Nẵng, doanh thu năm 2024 khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong số vốn 5.000 tỷ đồng dự kiến đầu tư, FPT tập trung vào lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), hạ tầng công nghệ với Dự án FPT Innovation Center (FIC), tổng diện tích sàn 35.000 m2, dự kiến đưa vào sử dụng từ quý I/2027…

Một dự án lĩnh vực công nghệ dự kiến cũng được khởi công năm 2025 là tòa nhà công nghệ thông tin của Tập đoàn Viettel, vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và được Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2023. Hạng mục chính của Dự án là công trình gồm 18 tầng nổi và 2 tầng hầm, đáp ứng cho 1.200 người làm việc. Khu đất xây tòa nhà này nằm trong lô A1.1 khu công viên Bắc Tượng đài, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu với diện tích 10.765 m2. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.

Song song với các dự án nằm trong lộ trình đầu tư, tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, UBND TP. Đà Nẵng đã kiến nghị rút ngắn trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để tháng 9 - 10/2025 có thể khởi công xây dựng phần bến cảng Liên Chiểu; lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại Khu thương mại tự do để đầu tư lĩnh vực logistics, công nghiệp hàng không, dịch vụ thương mại, bổ sung một số chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư vào Khu thương mại tự do; bổ sung Nhà máy Nhiệt điện LNG vào Quy hoạch điện VIII cho phù hợp với quy hoạch cảng Liên Chiểu (có bến cảng xăng dầu); khẩn trương triển khai kho hàng hóa và mở rộng Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục