Đà Nẵng tái khởi động nhiều dự án “khủng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư hạ tầng giao thông của TP. Đà Nẵng những năm gần đây chững lại đã thu hẹp dư địa thu hút đầu tư và bó hẹp trong một số lĩnh vực kinh tế. Để mở đường cho giai đoạn thu hút đầu tư mới, những dự án hạ tầng giao thông lớn có kế hoạch đầu tư từ 10 - 20 năm trước với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng đang được Đà Nẵng tái khởi động với kỳ vọng xong thủ tục vào năm 2025.
Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư gần 20 năm nhưng đến nay chưa có vốn đầu tư. Ảnh: Hà Minh
Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư gần 20 năm nhưng đến nay chưa có vốn đầu tư. Ảnh: Hà Minh

Theo thời gian, đô thị Đà Nẵng phát triển, phình to ra các hướng, hệ thống đường ray tàu hỏa chằng chịt trong nội đô gây áp lực về hạ tầng giao thông, xung đột và cản trở phương tiện, mất mỹ quan đô thị. Từ 20 năm trước, Đà Nẵng đã có kế hoạch đưa nhà ga và hệ thống đường sắt ra khỏi nội đô, tận dụng mặt bằng hiện có để kêu gọi đầu tư. Năm 2004, Dự án di dời ga đường sắt được chia thành 2 tiểu dự án gồm Tiểu dự án 1 với kinh phí dự kiến 10.236 tỷ đồng và Tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu Thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (2,8 tỷ đồng) đã chọn được Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải thực hiện trong 18 tháng.

Về chủ trương triển khai, Trung ương cũng đã đồng ý thông qua Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16/10/2003; Kết luận số 75-KL/TW ngày 12/11/2013; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, nguồn lực đầu tư cho ngành đường sắt khó khăn cùng với việc Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư mạng lưới tuyến đường bộ cao tốc dẫn đến kéo dài thời gian di dời ga đường sắt.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong khi chờ Trung ương tiếp tục bố trí vốn, UBND Thành phố đã chủ động giao Sở Giao thông vận tải cùng Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên lựa chọn đơn vị tư vấn, nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất báo cáo UBND TP. Đà Nẵng các bước tiếp theo.

Được biết, từ kết quả tư vấn bước đầu, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thông qua phương án: Toàn bộ phần hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt sẽ di dời ra ga Kim Liên; phần hành khách ga Đà Nẵng sẽ di dời ra khu vực hồ Trung Nghĩa theo hướng tuyến quy hoạch của đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Lê Trung Chinh, báo cáo cuối kỳ sẽ được xem xét để báo cáo Bộ Giao thông vận tải về hồ sơ đề xuất phương án đầu tư trong tháng 7/2024; tháng 10/2024 dự kiến hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 10/2025.

Có điểm xuất phát từ hơn 10 năm trước, công trình hầm vượt sông Hàn được Đà Nẵng đưa ra chủ trương đầu tư từ năm 2016. Thời điểm này, nhà thầu tư vấn đã hoàn tất báo cáo thông số hầm với chiều dài tuyến là 1.405 m (phần hầm kín dài 1.005 m, phần hầm hở ở mỗi bờ là 200 m), mỗi chiều có 3 làn xe lưu thông… Ban đầu, Dự án dự kiến được khởi công năm 2018 và hoàn thành trong 36 tháng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng mới đây, Dự án mới đang ở giai đoạn đề xuất bố trí vốn năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch triển khai các thủ tục trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, việc chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được tiến hành sau 3 tháng kể từ ngày được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư (tháng 9/2024); hoàn thành trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 12/2024; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2025.

Ngoài ra, đầu năm 2024, UBND TP. Đà Nẵng đã tăng tốc thu hút đầu tư Dự án công trình hầm chui qua sân bay với tổng vốn khoảng 8.228 tỷ đồng. Tuyến hầm này có chiều dài khoảng 3,7 km với phần hầm khoảng 2,48 km, quy mô 6 làn xe cơ giới và xây dựng các nhánh kết nối với khu đô thị phía Tây Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Theo kế hoạch, năm 2024, Đà Nẵng sẽ đề xuất bố trí vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch triển khai, lấy ý kiến chuyên gia. Tiếp theo sẽ hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (dự kiến tháng 9/2024), hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2025 và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý III/2025.

Theo ông Lê Trung Chinh, trong các dự án trên, 2 dự án hầm chui qua sân bay và hầm chui qua sông Hàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với phân kỳ đầu tư giai đoạn từ 2031 - 2045, riêng Dự án di dời ga đường sắt đang chờ quy hoạch đường sắt tốc độ cao. Đây là các dự án có tính chiến lược, lâu dài và định hướng phát triển bền vững không chỉ cho Đà Nẵng mà còn liên kết với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cũng như vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu đầu tư các dự án.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, với việc quy hoạch các công trình ngầm, di dời ga và hệ thống đường sắt ra khỏi đô thị, Đà Nẵng đang đi đúng hướng phát triển các đô thị nén (đô thị sân bay, cảng biển, sườn đồi, ven sông Hàn và bờ Đông…), đồng thời mở ra nhiều cánh cửa đón nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục