Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc gặp gỡ cán bộ, giảng viên Đại học Thái Nguyên, chiều 13/12. Ảnh: VGP |
Được thành lập năm 1994, đến nay Đại học Thái Nguyên có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị đào tạo; 16 đơn vị nghiên cứu, phục vụ đào tạo và dịch vụ.
Nhà trường hiện có 4.317 cán bộ viên chức, trong đó số cán bộ giảng dạy là 2.757 (với 13 Giáo sư, 117 Phó Giáo sư, 586 tiến sĩ, trên 2.182 thạc sĩ); 57 chuyên ngành và chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, 13 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa I, 7 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa II, 4 chuyên ngành bác sĩ nội trú; 32 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 12 chuyên ngành tiến sĩ đào tạo theo Đề án 911. Trong đó, có 8 chương trình tiên tiến ở trình độ đại học được nhập khẩu và giảng dạy bằng tiếng Anh; 14 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Quy mô đào tạo đại học chính quy là 49.000 người, đào tạo vừa làm vừa học là 14.619 người, đào tạo sau đại học là 4.005 người.
Trong 23 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 120.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học; đăng trên 6.000 bài báo khoa học, trong đó có gần 900 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học-công nghệ quốc tế.
Những khó khăn, hạn chế mà Đại học Thái Nguyên đang gặp phải là bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, đội ngũ khoa học còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề. Nhà trường chưa hình thành được các ngành học chất lượng cao mang tính đặc thù và thế mạnh, chưa tạo ra bước đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Hệ thống cơ sở vật chất nhìn chung chưa đồng bộ và hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và liên thông giữa các ngành đào tạo. Việc huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bộ phận số hoá tài liệu, giáo trình của Trung tâm Học liệu, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: VGP
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của cán bộ, giảng viên Đại học Thái Nguyên, Phó Thủ tướng cho rằng các thầy cô đã đề cập đến những vấn đề cốt tử tháo gỡ cho đại học, đó là phải đổi mới căn bản phương thức quản trị đại học theo xu hướng thế giới.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương Đại học Thái Nguyên nỗ lực vươn lên nằm trong tốp đầu các trường đại học cả nước về quy mô sinh viên, giảng viên... Bên cạnh đó là sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của tỉnh Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các trường đại học là nơi tập trung tinh hoa trí tuệ của xã hội nên phải là nơi đi đầu trong quản trị công việc của mình. Đại học không chỉ truyền bá kiến thức mà còn phải tạo ra kiến thức, tạo ra những giá trị mới, năng lực sáng tạo của các thầy cô giáo được tôn vinh, bừng nở.
Muốn vậy phải có tự chủ đại học, không để cho các cấp hành chính, dù là trong và ngoài trường ảnh hưởng, đến sáng tạo khoa học của các giảng viên và sinh viên. Cụ thể là hạn chế mọi sự can thiệp hành chính không cần thiết của bộ chủ quản đối với trường, từ trường xuống các trường thành viên, đến từng bộ môn, giáo sư, thầy cô giáo.
“Vừa qua Bộ GD&ĐT ủng hộ đề xuất của Đại học Đà Nẵng được vận dụng cơ chế như đại học quốc gia là chuyển biến rất tốt với những đại học vùng khác như Đại học Thái Nguyên”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn nhà trường chủ động xây dựng mô hình quản trị tiên tiến về cấu trúc, cơ chế điều hành “có như vậy mới có thể tiên phong trong tự chủ”.
Về định hướng ngân sách đầu tư cho đại học tự chủ theo phương thức đặt hàng, Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, đề xuất cụ thể.
“Các đồng chí nói cần đầu tư của nhà nước nhưng đầu tư như thế nào, đặt hàng ra sao, từ đó ra câu chuyện cấp hỗ trợ học bổng, nghiên cứu khoa học…”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Đặt câu hỏi làm sao để rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Thái Nguyên tập trung nguồn lực tốt nhất, có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành đào tạo phấn đấu thuộc tốp đầu, thậm chí là số 1 cả nước, trong thời gian ngắn nhất. “Không được để tồn tại suy nghĩ cứ Đại học Thái Nguyên là không bằng đại học ở Hà Nội, TPHCM”.
“Đây là mong muốn và cả đòi hỏi của nhân dân, của xã hội, của Chính phủ đối với các thầy cô giáo ở Đại học Thái Nguyên. Và khi từng trường đại học tập trung vào những ngành khác nhau thì sẽ cùng nâng chất lượng đào tạo đại học lên”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trao đổi riêng với các cán bộ, giảng viên, Phó Thủ tướng mong muốn với điều kiện cơ sở vật chất đã thuận lợi hơn, Đại học Thái Nguyên có những cơ chế phân giờ giảng dạy, đánh giá đề tài khoa học nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, nhất là những thầy cô trẻ được nghiên cứu, học tập nhiều hơn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của Đại học Thái Nguyên về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thí nghiệm…