Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương. Ảnh:Giang Huy
Ông Trương Triều Dương trao đổi với một nhóm phóng viên bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sáng nay tại Hà Nội.
- Đại sứ đánh giá thế nào về Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ?
- Ông Duterte đang nhận được sự ủng hộ cao của dân chúng, có thể do ông xuất phát từ tầng lớp bình dân, thể hiện nhiều nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, ông Duterte đang tập trung vào hai mũi nhọn: chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn, sử dụng ma tuý và chống tham nhũng.
Người dân về cơ bản phấn khởi khi tệ nạn ma tuý giảm hẳn, với hơn 500.000 người đã ra đầu thú do sử dụng hoặc liên quan đến buôn bán chất cấm này. Dân chúng cũng vui mừng khi nhiều quan chức cao cấp Philippines đang nằm trong tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Philippines cho phép cảnh sát có thể bắn tội phạm mà không cần xét xử đã gây nên lo ngại trong giới chức nước này, họ lo có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng. Chúng tôi chưa bình luận gì hơn vì cần chờ thêm một thời gian nữa mới có thể đánh giá tình hình.
Tôi đã gặp ông Duterte khi giới thiệu mình là đại sứ của Việt Nam. Ông Duterte nói ông khâm phục và kính trọng người Việt, ông sẽ cố gắng học phương cách của người Việt trong xử lý nhiều vấn đề quốc tế.
- Ông đánh giá thế nào về những tuyên bố của Tổng thống Philippines sau khi Toà trọng tài phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982) ra phán quyết nước này kiện Trung Quốc?
- Ông Duterte là người rất bộc trực, luôn nói thẳng suy nghĩ của mình. Điều quan trọng nhất là ông Duterte coi phán quyết của Toà là cơ sở để tiếp tục đàm phán với Trung Quốc thời gian tới. Tôi cảm thấy ông ấy đang lựa chọn một giải pháp mang tính hoà bình cho tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.
Tôi cho rằng họ có thể xuất phát bằng đàm phán hợp tác đánh bắt cá chung. Về những phát biểu của ông Duterte liên quan đến Liên Hợp Quốc thì chúng ta cũng phải chờ đợi xem tiếp sau đó là điều gì.
Tổng thống PhilippinesRodrigo Duterte. Ảnh:Reuters
- Theo ông Việt Nam có thể rút ra bài học gì sau vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông?
- Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy chính nghĩa luôn luôn thắng. Việt Nam cũng có chính nghĩa, hiện chúng ta vẫn đang bảo lưu các quyền của mình để xử lý những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Về cơ bản phương cách ứng xử của Philippines và Việt Nam tương đối giống nhau, chỉ có một điều khác là chúng ta chưa đưa tranh chấp với Trung Quốc ra toà quốc tế. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ quyền của mình. Việt Nam từ xưa đến nay kiên quyết và kiên trì trong việc tìm cách giải quyết những bất đồng trong quan hệ với các nước. Trong tranh chấp Biển Đông chúng ta đề cao giải pháp hoà bình, việc đưa các tranh chấp ra toà quốc tế cũng chính là biện pháp hoà bình.
- Một số chuyên gia lo ngại Philippines và Trung Quốc có thể "đi đêm với nhau", ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam ở Biển Đông, ý kiến của ông?
- Tôi không bình luận vấn đề này vì những điều đó chỉ mang tính ước đoán. Tôi cho rằng việc hai nước có đi đêm hay không thì cuối cùng mọi việc cũng sẽ lộ ra.
Chúng ta không bao giờ phản đối việc các nước khác sử dụng các biện pháp hòa bình, trong đó có tiến trình đàm phán và thương lượng.Những xung đột mang tính chất song phương thì giải quyết song phương, những xung đột mang tính chất đa phương chúng ta giải quyết bằng biện pháp đa phương. Đó cũng chính là những biện pháp Việt Nam đang tiến hành.
Nhưng Việt Nam cũng phải luôn cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với mọi khả năng có thể xảy ra và tôi tin chúng ta làm được điều đó.
- Bản thân ông trao đổi gì với phía Philippines sau khi Toà ra phán quyết?
- Tôi chủ yếu gặp ông Chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio và Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay, là những người bạn thân thiết của tôi. Việt Nam và Philippines từ trước đến nay luôn thông báo với nhau về những vấn đề, tình hình liên quan đến Biển Đông, hành động ứng phó của mỗi nước. Còn về diễn đàn đa phương thì hai bên luôn hợp tác rất tốt, đặc biệt là ở ASEAN. Việt Nam và Philippines cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, do đó chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề chiến lược cũng như sách lược.
- Dự đoán của ông về tình hình Biển Đông trong thời gian tới?
- Rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục gây căng thẳng sau Hội nghị G20 trong tháng 9. Hoạt động bồi đắp và quân sự hoá của Bắc Kinh sẽ phá huỷ nghiêm trọng môi trường ở Biển Đông. Philippines có thống kê đầy đủ và rõ ràng về tình trạng này.
Về phán quyết của Toà trọng tài, có thể trước mắt Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn nhưng về lâu dài họ có thể chấp thuận. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có đến 95% phán quyết của Toà trọng tài đã được chấp hành. Không chỉ Mỹ mà Nga, Hà Lan cũng đã thực hiện điều đó trong các vụ kiện với nước nhỏ hơn. Tôi mong rằng Trung Quốc với tư cách một nước lớn, là một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và là thành viên UNCLOS, nước này sẽ ứng xử một cách đúng mực.