Ảnh minh họa. |
Gần 3 tháng sau khi đàm phán rơi vào bế tắc, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp lại trong tuần này ở Thượng Hải để bàn giải pháp tháo gỡ xung đột thương mại. Tuy nhiên, kỳ vọng vào một thỏa thuận giữa hai cường quốc đang ở mức rất thấp, hãng tin Bloomberg cho hay.
Hai ngày đàm phán bắt đầu vào ngày thứ Ba là một kết quả từ thỏa thuận "đình chiến" mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản vào tháng trước. Mấy ngày gần đây, căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao, và hai bên đều phát đi những tín hiệu trái chiều, cho thấy quan điểm chưa muốn nhượng bộ đối phương.
Trung Quốc thể hiện quan điểm sẵn sàng mua thêm nông sản Mỹ, nhưng cũng cho rằng Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông. Hôm thứ Sáu, Trung Quốc nói cuộc điều tra của nước này về việc hãng vận chuyển FedEx chuyển nhầm bưu kiện của công ty Huawei đã phát hiện thêm một số sai phạm.
Bên phía Mỹ ông Trump đã thảo luận với lãnh đạo các công ty công nghệ lớn về lệnh trừng phạt đối với Huawei và có thể sẽ nới lệnh cấm này. Trong khi đó, một số quan chức cấp cao ở Washington dè dặt về khả năng nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc.
"Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa hai bên trong những vấn đề gai góc nhất", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Robin Xiang thuộc Morgan Stanley ở Hồng Kông nhận xét. "Hiện chưa có một hướng đi rõ ràng nào tới một thỏa thuận toàn diện".
Hôm thứ Sáu, trang blog Taoran Notes thuộc tờ Nhật báo Kinh tế Trung Quốc nhắc lại ba điều kiện chính của nước này đối với Mỹ trên bàn đàm phán thương mại. Các điều kiện này bao gồm: Dỡ ngay toàn bộ thuế quan bổ sung; mục tiêu cho việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ phải phù hợp thực tế; và thỏa thuận phải cân bằng.
Bài viết nói sẽ không có bước tiến đàm phán nếu Mỹ giữ nguyên lập trường, đồng thời tuyên bố Trung Quốc không sợ bị Mỹ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa.
Về phần mình, phía Mỹ đã đưa ra nhiều yêu cầu với Trung Quốc, bao gồm cải tổ cơ cấu nền kinh tế, tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, và một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Mỹ. Hôm thứ Ba tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói mục tiêu của ông Trump là đạt "một thỏa thuận tốt", chứ không vội vàng gì.
Bên cạnh việc hai bên chưa sẵn sàng nhượng bộ, đàm phán thương mại Mỹ-Trung còn gặp trở ngại bởi bất đồng giữa hai bên trong một loạt vấn đề địa chính trị, bao gồm vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên và Biển Đông.
Ngoài ra, vấn đề Huawei cũng đang là một tâm điểm của mâu thuẫn. Tuần trước, Trung Quốc kêu gọi Mỹ chặn một dự thảo luật đề xuất không cho phép Huawei tiếp cận với bằng sáng chế Mỹ.
"Trung Quốc sẽ không dễ nhượng bộ, nên vấn đề đối với phía Mỹ là liệu họ có chịu chấp nhận thỏa hiệp hay tiếp tục leo thang căng thẳng", ông David Dollar, cựu tùy viên thương mại Mỹ ở Bắc Kinh, hiện đang là một thành viên cấp cao của Viện Brookings ở Washington, nhận xét.