Bà Hillary Clinton ra về sớm lễ tưởng niệm vụ 11/9 . Ảnh: Reuters |
Nhiều người cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ thay đổi cục diện sau thời điểm bà Clinton đột ngột bỏ dở lễ tưởng niệm vụ khủng bố 11/9 và ngã khuỵu khi được trợ lý dìu lên xe. Tuy nhiên, cây bút Edward Isaac Dovere của Politico cho rằng việc này không có tác động lâu dài với thực tế chính trị.
"Con đường không rộng mở với ông Donald Trump. Ông ấy không dẫn trước ở những nơi ông cần giành chiến thắng. Bà Clinton vẫn chiếm thế thượng phong, dù vụ việc cuối tuần qua có xảy ra hay không", Lee Miringoff, giám đốc trung tâm thăm dò dư luận Marist nói. "Đã có nhiều sự cố xảy ra trong mùa tranh cử năm nay, ông Trump liên tục có phát ngôn gây tranh cãi, nhưng đó có phải đòn chí mạng với ông ấy không? Các vấn đề xoay quanh việc sử dụng email, sự trung thực và sức khỏe của bà Hillary liệu có làm bà ngã ngựa không? Rõ ràng là không".
Ông Dovere cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay quá sít sao, và những ngày cuối tuần tồi tệ của đảng Dân chủ cũng không làm thay đổi cục diện đó.
Còn hai tuần nữa là đến thời điểm hai ứng viên lần đầu tiên tranh luận tay đôi, và 5 tuần nữa là đến cuộc tranh luận cuối cùng. Các nỗ lực thay đổi hình ảnh của hai bên dường như chưa có hiệu quả.
Hai tuần trước, ông Trump có dấu hiệu khởi động lại chiến dịch bằng chuyến thăm Mexico, nhưng chỉ 4 giờ sau đó, ông lại hứng chỉ trích vì lập trường về vấn đề nhập cư. Tuần trước, bà Clinton tỏ ra cởi mở hơn với phóng viên, nhưng ngay sau đó, bà lại giấu căn bệnh viêm phổi và chỉ công khai khi phải kết thúc lịch trình sớm ở lễ tượng niệm nạn nhân vụ 11/9.
Mặc dù việc bà Clinton ngã bệnh có thể làm gia tăng các thuyết âm mưu về sức khỏe và khiến cho đảng Dân chủ lo lắng, ông Dovere cho rằng việc này khó có tác động lớn. Theo ông, có những người bỏ phiếu cho ông Trump vì không ưa bà Clinton. Đồng thời, có những người không ưa ông Trump và phẫn nộ bởi các phát ngôn của ông nên họ bỏ phiếu cho bà Clinton.
Số lượng người chưa quyết định còn lại rất ít, bao gồm những đảng viên Cộng hòa phản đối ông Trump nhưng lại lo lắng về cách làm việc của bà Clinton nếu bà vào Nhà Trắng.
"Ý kiến cho rằng có một lượng rất lớn cử tri độc lập chưa ra quyết định là hoang đường", Jim Hodges, cựu thống đốc bang South Carolina và là người ủng hộ bà Clinton, nói.
Cuộc thăm dò của Washington Post và ABC News hôm 11/9 cho thấy 7 trong 10 cử tri đã quyết định sẽ bầu cho ứng viên nào. Đáng chú ý, 60% cử tri nói rằng bà Clinton đủ điều kiện làm tổng thống Mỹ, trong khi chỉ 36% người nói như vậy về ông Trump - một trở ngại lớn cho đảng Cộng hòa.
Ông Miringoff cho rằng các sự cố cuối tuần của bà Clinton chỉ là những khoảnh khắc bất ngờ, khiến mọi người quên mất rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy kết quả rất ít thay đổi. Theo cuộc điều tra của Washington Post và ABC News, vào tháng 6, số người ủng hộ bà Clinton là 48% còn ông Trump ở mức 39 %; bà Clinton ở mức 45% còn ông Trump 39% vào tháng 7, tỷ lệ tháng 8 là bà Clinton 48% và Trump 40%, tỷ lệ hiện tại là bà Clinton 46% và ông Trump 41%.
Các cuộc thăm dò của các hãng tin khác cũng không có nhiều chênh lệch. Bà Clinton thường dẫn trước trong các cuộc khảo sát ở bang chiến trường (nơi không đặc biệt nghiêng về ứng viên nào).
Đảng Dân chủ chủ yếu tập trung thu hút các cử tri nòng cốt, luôn trung thành với ứng viên. "Trong hai hoặc ba ngày tới, khi những sự cố vừa qua đã giảm nhiệt, vẫn còn rất nhiều cơ hội để bà Clinton trò chuyện với các cử tri trung thành", Mitch Stewart, từng là trợ lý cho ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2012, nói. "Bạn không nhất thiết phải quá tập trung vào những sự cố bất ngờ".
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa không tin rằng các sự cố của bà Clinton cuối tuần qua chỉ là một khoảnh khắc nhanh chóng bị lãng quên. "Trong một mùa bầu cử mà mọi thứ đều khác biệt, tôi nghĩ vấn đề này cũng sẽ khác", Curt Anderson, chiến lược gia đảng Cộng hòa, nhận xét.
Ông Trump không đưa ra những đòn tấn công hay châm chọc nhằm vào sức khỏe của bà Clinton, mà chỉ tập trung chỉ trích phát ngôn của bà vào tối 9/9. Bà Clinton đã nói rằng một nửa số cử tri ủng hộ ông Trump là "người đáng trách". Tỷ phú muốn làm dấy lên sự phẫn nộ trong số người ủng hộ mình, nhằm tăng số cử tri trung thành, đồng thời khiến nhiều người ủng hộ bà Clinton thất vọng và chuyển sang phe của ông. Tuy nhiên, theo Politico, các cử tri Dân chủ trung thành có vẻ còn thích thú chứ không tức giận, họ chỉ tiếc rằng bà không sử dụng từ ngữ nặng hơn từ "đáng trách".
Theo NYTimes, Robert Blizzard, một nhà thăm dò dư luận đảng Cộng hòa, nói rằng ông Trump đã phục hồi vị thế của mình trong cuộc đua, nhưng có thể đã quá muộn để ông thay đổi cách đánh giá của nhiều cử tri về tính cách và khả năng của mình.
"Bà Hillary Clinton rõ ràng đã thắng vào mùa hè, và rõ ràng ông Trump tự đào cho mình một cái hố rất sâu sau đại hội đảng", ông Blizzard nói. "Trong khi ông Trump đang bắt đầu leo ra khỏi hố, ông cũng khó tận dụng được một vài tuần tồi tệ của bà Clinton, do cách nhìn của công chúng về lập trường, tính khí và cách phát ngôn của ông ấy về phụ nữ và các cộng đồng khác đã ăn quá sâu".
Tim Miller, người dẫn đầu phong trào phản đối ông Trump, thì mỉa mai khi bày tỏ quan điểm. "Cục diện cuộc đua có thể thay đổi, một là ông Trump thua thảm hại, hai là ông ấy thua sít sao", ông nói.